Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường và nền sản xuất hàng hoá trong nước trước việc giảm thuế
26 | 01 | 2008
Sau "biện pháp sốc" giảm thuế để giảm giá của Bộ Tài chính năm 2007, đầu năm 2008, VN tiếp tục phải cắt giảm hơn 1.700 dòng thuế. Cùng với việc giảm thuế thì hàng ngoại tràn vào thị trường VN ngày càng nhiều. Điều này không chỉ đe doạ thị trường trong nước, mà còn ảnh hưởng cả đến nền sản xuất hàng hoá của VN.

Theo tính toán và lý giải của Bộ Tài chính, việc áp dụng "biện pháp sốc" là giảm thuế sẽ giúp giảm giá bán các mặt hàng khẩu. Mục tiêu này thực chất đã đạt được phần nào, khi cơn sốt giá cả tiêu dùng khoảng 3 tháng cuối năm 2007 đã được kiểm soát.

Tuy nhiên sau một thời gian dài thực hiện, tính hiệu quả của biện pháp này ngày càng giảm sút. Một phần do biến động chung của tình hình giá cả thế giới. Mặt khác, xu hướng tăng cầu đột biến dịp cuối năm đã khiến cho thị trường trở nên nóng sốt.

Cùng với việc giảm giá, thị trường VN đã có sự chuyển biến theo hướng ngày càng phong phú về chủng loại, mặt hàng, giá cả. Tuy nhiên, thị trường hàng hoá Việt Nam lại bắt đầu mối lo ngại mới.

Theo các chuyên gia kinh tế thì cùng với việc giảm thuế nhập khẩu, tâm lý sính hàng ngoại; xu hướng giảm giá khuyến mãi trong thời gian này khiến cho thị trường hàng hoá VN đang tràn ngập hàng ngoại.

Mối đe doạ trên đã bắt đầu tăng lên khi ngay từ đầu năm 2008, VN tiếp tục thực hiện cam kết bằng việc cắt giảm hơn 1.700 dòng thuế. Trong đó, có ít nhất 26 ngành hàng nằm trong diện được cắt giảm thuế quan theo ASEAN; mức giảm phổ biến từ 1% đến 6%.

Đối với cam kết khi gia nhập WTO, VN cũng sẽ áp dụng mức giảm thuế đối với khá nhiều mặt hàng như xơ, sợi; hàng vải; may mặc có mức giảm từ 15% cho đến 30%; nhóm hàng gia dụng, hàng điện tử, điện lạnh, rượu, bia, nước giải khát... với mức giảm 10% - 25%...

Ngay tại thời điểm này, người tiêu dùng (NTD) đang được hưởng lợi cả về mức giá, sự phong phú về mặt hàng... Đây cũng chính là lý do mà hàng điện tử, điện lạnh như tivi, máy giặt, tủ lạnh... đều được cho là rẻ đến bất ngờ.

Cùng với việc giảm giá, những cơn lốc khuyến mãi càng khiến cho nhu cầu tăng đột biến; kèm theo nó là lượng hàng ngoại tràn vào một cách ồ ạt.

Trong khi NTD được lợi ít nhiều thì nền sản xuất - nhất là những ngành sản xuất trực tiếp - đang chịu sức ép nghiêm trọng. Cụ thể, những ngành công nghiệp trong nước như điện tử; xơ, sợi; sản xuất và chế biến thức ăn gia súc; rau quả và chế biến rau quả... đều phải gánh chịu tác động trực tiếp. Những tác động này buộc các nhà sản xuất trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh, hoặc chấp nhận những rủi ro.

Về chính sách điều hành, theo các nhà quản lý thì lộ trình giảm thuế dù có những khó khăn, nhưng cũng có tác động tích cực. Các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc các ngành sản xuất của VN không thể hưởng mãi bảo hộ.

Những cam kết về thuế sẽ là bài toán cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh mở cửa. Tuy nhiên, cũng không ít chuyên gia kiến nghị, VN cần thận trọng và linh hoạt hơn trong chính sách.

Cụ thể, trong khi hàng hoá VN ngày càng khó xuất khẩu ra các nước bởi những rào cản kỹ thuật, thương mại (như chống bán phá giá, quy định tiêu chuẩn...) thì hàng hoá nước ngoài lại vào VN rất dễ dàng.

Vì thế các chuyên gia kiến nghị, năm 2008 VN cần thực hiện chính sách nhập khẩu linh hoạt và thận trọng. Các chuyên gia đề nghị VN cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để ngăn "tất cả các loại rác" vốn được coi là đồ tái chế vào VN.

Bên cạnh đó, VN cần áp dụng ngay các quy định kỹ thuật, thương mại trong nhập khẩu. Điều này vừa giúp VN giảm thiểu tác động môi trường, vừa ngăn chặn nguồn hàng kém chất lượng hoặc không phù hợp đang ồ ạt vào VN.

Đặc biệt, ngay trong năm 2008 VN cần thực hiện nhanh các bước quy hoạch và phát triển trọng điểm công nghiệp phụ trợ. Đây sẽ là những nhóm giải pháp tức thời để VN vừa kiểm soát nhập khẩu, ổn định và phát triển thị trường lành mạnh, vừa giúp DN trong nước có đủ thời gian chuẩn bị thích ứng với bối cảnh cạnh tranh.

 



Nguồn: www.trade.hochiminhcity.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường