Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực hiện Cam kết Thương mại Dịch vụ trong WTO của Việt Nam
25 | 01 | 2008
Các hoạt động SERV-1 và SERVE-2 của Dự án Hỗ trợ Thương mại Đa Biên (MUTRAP) được triển khai trong giai đoạn mang tính quyết định, một năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thời điểm mà về mặt pháp lý, Việt Nam đã phải thực hiện hầu hết các nghĩa vụ và cam kết Hiệp định GATS.

Hoạt động của SERV-2 “ Hỗ trợ Bộ Tư pháp và các bộ, ngành hữu quan rà soát khung pháp lý trong nước so với các cam kết, nghĩa vụ của GATS” tiếp nối Hoạt động SERV-1 của Dự án MUTRAP II về “Hỗ trợ rà soát cam kết và nghĩa vụ GATS của Việt Nam”. Mục tiêu chung của hai hoạt động này là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực thi các cam kết và nghĩa vụ GATS về thương mại dịch vụ mà Việt Nam đã và đang thực hiện kể từ khi gia nhập WTO, nhằm rà soát sự phù hợp của các quy định và pháp luật Việt Nam đối với các nghĩa vụ điều ước quốc tế này, đồng thời xác định các lĩnh vực liên quan đến quy định và khuôn khổ pháp lý dịch vụ của Việt Nam cần được sửa đổi và có biện pháp mới, với mục tiêu thực hiện các nghĩa vụ và cam kết GATS của Việt Nam và đề xuất biện pháp pháp lý phù hợp. TS Peter Naray - Trưởng nhóm chuyên gia EU Dự án MUTRAP, cho biết: “Hoạt động này nhằm hỗ trợ các cơ quan thẩm quyền chuẩn bị các bước pháp lý và hành chính cần thiết đối với Việt Nam trong việc tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế mới liên quan đến thương mại dịch vụ. Dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức về tiến trình gia nhập WTO của Việt Nam, ý nghĩa của tự do hoá thương mại và việc xây dựng hợp tác, điều phối chặt chẽ hơn đối với các bên hưởng lợi”

 

Kết quả chính của hoạt động SERV-2 đã được trình bày tóm tắt tại Hội thảo “Thực hiện Cam kết Thương mại Dịch vụ trong WTO của Việt Nam” diễn ra vào ngày 23 tháng 1 năm 2008 tại Hà Nội. Các chuyên gia trong nước và quốc tế của dự án MUTRAP đã đưa ra một số nhận định như sau:

·         Việt Nam đạt tiến bộ vượt bậc trong việc thực thi các nghĩa vụ chung trong GATS, ví dụ đối xử tối huệ quốc, các nghĩa vụ minh bạch hoá trong ban hành các quy định, luật về dịch vụ, thanh toán và chuyển khoản, các thủ tục cấp phép, v.v…Có nhiều tiến bộ thông qua việc ban hành pháp lý nói chung trong quá trình chuẩn bị gia nhập WTO, ví dụ Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật các Điều ước và Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật.

·         Khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết nhiều nghĩa vụ chung trong GATS, bao gồm đối xử tối huệ quốc (MFN), minh bạch hoá, quy định trong nước, các nhà cung cấp dịch vụ đặc biệt và độc quyền, thanh toán và chuyển khoản, trợ cấp, cũng như nghĩa vụ điều ước để tham gia các vòng đàm phán đa phương GATS, hướng tới mức độ tự do hoá sâu rộng. Việt Nam cũng tham gia đàm phán nhiều cam kết cụ thể về tiếp cận thị trường và đối xử quốc gia liên quan tới tất cả các lĩnh vực dịch vụ và 110 phân ngành. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các nghĩa vụ GATS của Việt Nam trong từng lĩnh vực là khác nhau. Theo tuyên bố gần đây Bộ Công Thương, quy trình pháp lý tốt, xây dựng khung pháp lý mới hay sửa đổi, đã được thực hiện trong các lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, chuyển phát nhanh, phân phối, vận tải và văn hoá.

·         Mặc dù đã đạt được những tiến triển pháp lý đối với các nghĩa vụ GATS chung – không chỉ thành phần dịch vụ mà còn cả nền kinh tế, vẫn còn những quan ngại về việc thực hiện một số các nghĩa vụ này. Đó là các cam kết cụ thể trong thủ tục cấp phép. Các chuyên gia trong nước đề cập đến hiện trạng pháp lý đơn thuần và kết luận rằng nói chung Việt Nam tuân thủ các cam kết và nghĩa vụ GATS. Tuy nhiên, Chính phủ nên quan tâm đến ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước thường phàn nàn về sự thiếu chắc chắn và minh bạch các thủ tục hành chính, việc tăng nhanh các yêu cầu cấp phép, cấp phép lại (sub licencing) nặng nề xuất phát từ các quy định và pháp luật mới, các thủ tục tốn kém và chậm trong các vấn đề pháp lý và thực tiễn khác có ảnh hưởng tới khả năng dự đoán và thuận lợi môi trường kinh doanh.

 

Rõ ràng là việc thực hiện pháp lý đầy đủ và hiệu quả các nghĩa vụ và cam kết GATS của Việt Nam không thể dừng lại ở tuyên bố rằng các quy định và luật pháp cần thiết hầu hết đều đã sẵn có. Đối với cộng đồng doanh nghiệp, điều cần thiết không chỉ là hiện trạng pháp lý mà là việc thực hiện đúng và đồng bộ các điều khoản pháp lý trong hoạt động hành chính và pháp lý hàng ngày. Đây là nguyên tắc luật quốc tế được công nhận trên toàn cầu. Hiệp định GATS (Điều XXVIII: (a) cũng quy định rõ và định nghĩa “hành động hành chính (administrative action) là một trong những “biện pháp” của chính phủ.

 

Các chuyên gia Châu Âu và chuyên gia trong nước đã trao đổi sâu về những lợi ích và bất cập của các biện pháp khác nhau, gồm những biện pháp truyền thống như nội luật hoá thông qua sửa đổi, hay xây dựng luật mới, cách tiếp cận pháp lý của Việt Nam trong việc ưu tiên áp dụng điều luật ước quốc tế trong trường hợp có xung đột với khung pháp lý trong nước, và khái niệm “áp dụng trực tiếp” luật điều ước quốc tế theo Nghị quyết số 71/2006 của Quốc hội. Các chuyên gia kết luận rằng, việc “áp dụng trực tiếp” chỉ được thực hiện nếu tất cả các điều khoản liên quan đến việc áp dụng phải “rõ ràng và cụ thể”. Việc áp dụng trực tiếp không thể được xem là liều thuốc bách bệnh đối với việc thực thi GATS, bởi bản chất các điều khoản phức tạp của Hiệp định này. Thực tế, có thể nói rằng mỗi biện pháp thực hiện đều phải được cân nhắc cẩn thận theo từng trường hợp và khung pháp lý trong lĩnh vực cụ thể nên được tiếp tục áp dụng, và trong nhiều trường hợp tránh việc không nhất quán trong thực thi. Nghị quyết Quốc hội nên được trích dẫn lại, theo đó nếu các quy tắc WTO không “đủ rõ ràng và cụ thể” để có thể áp dụng trực tiếp, Chính phủ nên trình Quốc hội văn bản pháp lý để “sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành hoặc đưa ra các quy định mới thuộc thẩm quyền theo các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam”.

 

Theo đó, có thể nói rằng cách thực hiện tốt nhất là nên sử dụng khung pháp lý trong nước làm cơ sở cho việc thực hiện GATS để tránh bất cứ xung đột hay không nhất quán với việc áp dụng trực tiếp khi những tiêu chí cho phép áp dụng trực tiếp là chưa rõ ràng. Hơn nữa, trong trường hợp áp dụng trực tiếp, điều tối quan trọng là tăng cường khả năng của hệ thống pháp luật để đáp ứng, xử lý các vấn đề liên quan trong luật WTO.

Liên hệ với người đăng tin ảnh: Trần Lan Phương, e-mail: tranlanphuong@agro.gov.vn



(www.agro.gov.vn)
Báo cáo phân tích thị trường