Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thách thức lớn từ nguồn nhân lực
25 | 01 | 2008
Chưa bao giờ nhân lực được đào tạo lại thu hút mối quan tâm của lãnh đạo các DN như hiện nay, nhất là khi các tập đoàn, DN lớn của Nhà nước đang thực hiện “mở cửa” sang đa ngành nghề. Đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám” không chỉ diễn ra ở các DN có thu nhập thấp, mà ngay cả những DN được xem là có thu nhập cao, tình trạng này cũng rất trầm trọng.

Mặc dù là một trong số những DN được xem là “có máu mặt”, nhưng năm 2007, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám ở mức độ lớn. Theo thống kê của EVN, năm 2007, đã có 260 người đi khỏi EVN và các công ty con để sang những DN điện khác. Đây là cũng là điều dễ hiểu khi chuyện xây dựng nhà máy điện quy mô lớn hiện nay không phải chỉ bởi một mình EVN đảm trách.

Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), nơi vẫn được xem là có nhiều “bộ óc” thông thái trong công việc, bởi phải tính toán, sắp xếp và điều hành nhanh nhẹn các nhà máy điện phục vụ vận hành hệ thống điện của cả quốc gia, nhưng năm qua, tại đây có cả chục “chất xám” ra đi. Ông Đặng Huy Cường, Giám đốc A0 cho biết, có những “chất xám” chưa phải ở các vị trí lãnh đạo hay “đỉnh cao”, nhưng sang nơi khác như các DN điện của ngành dầu khí đã được chào mời thu nhập tới 15-20 triệu đồng/tháng. “Nếu không có cơ chế giữ người, thì tình trạng chảy máu chất xám vẫn còn tiếp diễn”, ông Cường lo ngại.

Dĩ nhiên, sự ra đi của các nhân sự trẻ có trình độ không phải chỉ duy nhất bởi thu nhập. Ở những nơi cán bộ lãnh đạo vẫn còn trẻ, thì sự ra đi của những người trẻ tuổi cấp dưới là khó tránh, bởi họ không có nhiều cơ hội trong việc nắm giữ các vị trí cao hơn. Trong khi đó, tại những DN mới bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực điện như Tổng công ty Điện lực Dầu khí hay các nhà máy điện của Tập đoàn Than hay các DN có vốn đầu tư nước ngoài, các nhà máy điện do tư nhân đầu tư, cơ hội thăng tiến lại rộng mở.

Với mục tiêu có thêm 58.000 MW điện trong giai đoạn 2006-2015, trong đó EVN đảm trách 53% và 47% còn lại do các nhà máy điện bên ngoài đảm trách, thì tình trạng “mất người” xem ra sẽ còn diễn ra dài dài.
Thu nhập cao, quyền lợi tăng thêm như mua cổ phiếu ưu đãi hay các chức danh là những “cần câu” được các DN mới đầu tư vào lĩnh vực điện chào đón những người đã có thâm niên hoạt động trong ngành điện. Lẽ dĩ nhiên, với cơ chế hoạt động của các công ty cổ phần, công ty tư nhân, thì những ưu đãi để thu hút người tài không khó khăn như các DN 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, hiện tượng chảy máu chất xám trong chuyên ngành điện như EVN đang phải đối mặt, cũng diễn ra ở tất cả DN các ngành khác trong các lĩnh vực truyền thống.
Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro, đơn vị từng được “ngưỡng mộ” về mức thu nhập một thời, nay cũng đang phải đối mặt với nạn chảy máu chất xám.

Ông Trần Lê Đông, Tổng giám đốc Vietsovpetro cách đây 2 năm từng lên tiếng cảnh báo về sự ra đi của chất xám trong đơn vị, cho biết, tình trạng chảy máu chất xám ngày càng diễn ra nhiều hơn, phức tạp hơn với nhiều người có trình độ rất cao. Năm 2007, đã có 162 lao động kết thúc hợp đồng trước thời hạn ở Vietsovpetro, trong đó có 115 người Việt Nam. “Vietsovpetro làm việc theo chức danh, nên cơ hội thăng tiến của những người chưa có chức danh là khó. Hơn nữa, thu nhập của người lao động ở Vietsovpetro bây giờ không còn là cao so với các công ty dầu khí nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, thậm chí so với các đơn vị khác trong Tập đoàn Dầu khí”, ông Đông cho biết.

Cũng giống như với EVN, những người đi khỏi Vietsovpetro đều là những lao động có tay nghề cao trong lĩnh vực dầu khí truyền thống, với các chuyên ngành địa chất thăm dò, khai thác, tự động, cơ khí. Điểm đến của họ cũng chẳng xa lạ, bởi đó là các công ty dầu khí nước ngoài tại Việt Nam hay các tổng công ty mới được thành lập của Tập đoàn Dầu khí với mức thu nhập cao gấp 2-3 lần chỗ cũ.

Tuy vậy, những mức thu nhập này chưa phải là ghê gớm so với chuyện có ngân hàng thương mại sắp thành lập đã chào mời một ứng viên đảm nhiệm chức danh giám đốc đối ngoại 500 triệu đồng cổ phiếu với giá 1:1 (trong khi giá thị trường là gần 4.0), chưa kể mức thu nhập hàng tháng lên tới hơn 30 triệu đồng. Như vậy, với các chức danh có chuyên ngành hơn, thì chắc chắn, mức chào mời còn “hấp dẫn” cao độ.
Xem ra, tình trạng chảy máu chất xám vẫn là câu chuyện dài với tất cả DN.



Nguồn: www.vir.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường