Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Suy thoái kinh tế Mỹ và cơ hội cho hàng Việt
22 | 02 | 2008
Trước những dấu hiệu suy thoái kinh tế Mỹ ngày càng rõ nét, nhiều nhà kinh tế đã đưa ra dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tác động mạnh, đặc biệt là các nước có quan hệ thương mại và đầu tư với đầu tàu kinh tế này.

Thế nhưng, những diễn biến mới đây trên thị trường tài chính Mỹ lại cho thấy điều ngược lại.

Giải pháp cứu nền kinh tế của Mỹ đã có tác dụng. Liên tục từ đầu năm đến nay, nhiều biện pháp mạnh nhằm phục hồi nền kinh tế đang đà suy giảm đã được Chính phủ Mỹ đưa ra.

Quyết liệt nhất là các đợt cắt giảm lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). FED đã thiết lập mặt bằng lãi suất cơ bản cho đồng đôla xuống thấp nhất trong 20 năm qua, chỉ còn 3%.

Động thái này ngay lập tức tác động lên lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại tại Mỹ. Hàng loạt các ngân hang đã cắt giảm lãi suất cho vay từ 7,25% xuống chỉ còn 6,5%/năm.

Liên tục các thông tin tốt được đưa ra, dường như người Mỹ muốn đưa nên kinh tế phục hồi sớm hơn dự báo của các nhà phân tích kinh tế, tức là trước quý 3 năm nay.

Hôm thứ Tư tuần rồi, Tổng thống Mỹ George Bush đã ký dự thảo cho phép giảm thuế đối với các doanh nghiệp và người dân Mỹ. Giá trị khoản thuế được miễn giảm tương đương 1% GDP, bằng 168 tỷ USD.

Củng cố thêm quyết tâm khôi phục nền kinh tế của chính phủ, FED cũng ra quyết định bơm thêm 30 tỷ USD cho các ngân hàng thương mại nước này với lãi suất 3,01%, mức lãi suất thấp nhất trong 5 lần “bơm” tiền gần đây của FED.

Việc cắt giảm lãi suất và bơm tiền vào nền kinh tế khiến cho thị trường vốn tại Mỹ phục hồi trở lại, lượng tiền mặt trong lưu thông tăng mạnh. Phản ứng đầu tiên từ nền kinh tế là việc tăng mua của người tiêu dùng khiến thị trường bán lẻ Mỹ tăng trưởng mạnh, đạt mức tăng 0,3% trong tháng 1.

Trở về từ Mỹ để tham gia Hội nghị Tham tán năm 2008 được tổ chức sáng nay tại Hà Nội, ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết: “Không có dấu hiệu suy giảm trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ”. Hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã ký kết được hợp đồng cho quý 1/2008.

Để chứng minh cho nhận định này, ông Thoan dẫn các số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, cho biết: “Nhu cầu nhập khẩu trong năm nay của Mỹ dự kiến sẽ tăng từ 5% đến 6%, đưa tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này lên mức 2.000 tỷ USD.”

Báo cáo trước Hội nghị, ông Thoan tỏ ra khả quan trước triển vọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ. “Xuất khẩu vào Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng khá, đạt mức 23% đến 25% trong năm nay”, ông Thoan dự báo.

Một thuận lợi cơ bản cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ trong năm nay được nói đến là chính sách Trung Quốc + 1 của các nhà phân phối sản phẩm nhập khẩu Mỹ. “Thâm hụt thương mại quá cao với Trung Quốc gây nên sự phản cảm trong giới chức Mỹ và việc các doanh nghiệp nước này mong muốn tìm nguồn cung mới khiến hàng hóa Việt Nam có nhiều lợi thế”, ông Thoan nói.

Tuy nhiên, cũng có hai điểm, được ông Thoan chỉ ra bên lề Hội nghị, có thể gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sản phẩm vào thị trường này. Đó là vấn đề đồng đôla yếu và nguy cơ xảy ra các vụ kiện bán phá giá.

“Các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu từ các nền kinh tế khác có thể sẽ chịu ảnh hưởng của việc chi phí đầu vào tăng trong cơ cấu giá sản phẩm xuất khẩu.” ông Thoan nói. Về vấn đề này, ông Thoan cũng khuyến cáo các doanh nghiệp nên xem xét lại giá cả khi đàm phán.

Cũng theo ông Thoan: “Khả năng xảy ra các vụ kiện bán phá giá là rất cao.” Các sản phẩm có nguy cơ cao vẫn là thủy sản, may mặc, sản phẩm cơ khí và đồ gỗ.





Nguồn: vneconomy.vn
Báo cáo phân tích thị trường