Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cá tra, basa gặp khó vì Quyết định 346
01 | 04 | 2008
Các doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL vừa kiến nghị Chính phủ một số chủ trương và giải pháp cụ thể để "gỡ khó" cho doanh nghiệp.

Vốn "đóng băng"!

  
Theo ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản tỉnh An Giang (AFA) , trong suốt 40 ngày qua con cá tra, basa ở ĐBSCL đang chịu sự tác động bất lợi rất lớn và đang trong tình hình hết sức khó khăn, nhất là từ khi có Quyết định 346/QĐ-NHNN ngày 13/2/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về chống lạm phát và kiểm soát tăng giá.

Một là, bị nguồn vốn từ các ngân hàng bị "đóng băng", không đến được doanh nghiệp, sau đó có tháo gỡ dần nhưng chỉ cho vay nhỏ giọt và người vay phải chịu lãi suất cao từ 1,6 - 2%/tháng.

Hai là các doanh nghiệp chế biến thức ăn, thuốc thú y thủy sản..., cũng đang trong tình trạng thiếu vốn, nên không đủ sức hỗ trợ người nuôi cá bằng hình thức "gối đầu" tiền thức ăn.

Ba là, các doanh nghiệp chế biến vừa và nhỏ đang thiếu vốn mua cá nguyên liệu, cộng với lãi suất ngân hàng tăng cao, tỷ giá ngoại tệ giảm nên hiệu quả thấp, nên chỉ hoạt động cầm chừng để giữ công nhân.

Riêng các doanh nghiệp lớn có tiềm lực về tài chính thì không đủ sức mua hết cá nguyên liệu trong thời điểm cá tới lứa thu hoạch. Cá biệt, có doanh nghiệp nhân cơ hội này đã mua cá với giá thấp hơn giá thị trường và đặt ra nhiều điều kiện nhằm bắt chẹt người nuôi và kéo dài thời gian thanh toán tiền. Hộ nào có nhu cầu về vốn muốn được ứng hoặc trả trước phải chịu lãi suất 3%/tháng.

Cũng có trường hợp người nuôi cá vay vốn ngân hàng đáo hạn trả nợ xong vay lại thì bị ngân hàng cắt ngang, tất cả những khó khăn vướng mắc đang dồn về phía người nuôi.

Theo tổng hợp chưa đầy đủ, từ khi Quyết định 346 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực, thiệt hại của người nuôi cá đã lên gần 200 tỷ đồng. Con số này sẽ không dừng lại nếu ngành thủy sản không sớm tìm ra được biện pháp tháo gỡ.

Ba kiến nghị chính

"Trong xuất khẩu thuỷ sản hiện có nhiều nghịch lý. Đó là trong suốt thời gian qua, giá thành cá tra luôn tăng nhưng giá xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa lại giảm chứ không tăng. Nguyên nhân là do tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Để tránh tình trạng này đề nghị Chính phủ vận dụng cách điều hành xuất khẩu lương thực điều hành xuất khẩu cá tra, basa, vì nuôi cá là nghề có độ rủi ro cao", ông Bùi Hữu Trí, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cần Thơ nói.

Còn theo ông Dương Nghĩa Quốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, Chính phủ cần xây dựng giá sàn xuất khẩu sản phẩm cá tra, basa cụ thể, nếu doanh nghiệp nào chào giá bán thấp hơn giá sàn thì kiến nghị có biện pháp chế tài bằng cách đánh thuế cao hoặc các biện pháp hành chính khác.

Các đại diện doanh nghiệp đã nhất trí một số kiến nghị.

Một là, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cho các ngân hàng thương mại nên gia hạn nợ cho các hộ nuôi cá tra thêm một quý, đồng thời bổ sung thêm nguồn vốn thấp nhất là 30% khế ước.

Hai là, ưu tiên vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ký kết hợp đồng với khách hàng để mua cá nguyên liệu cho ngư dân, nếu có thể được thì tăng thêm nguồn vốn để chế biến dự trữ. Có như vậy mới giảm bớt sự ùn tắc cá nguyên liệu như hiện nay.

Ba là, Ngân hàng Nhà nước mua lại ngoại tệ đúng giá theo tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước công bố đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản (theo chủ trương của Chính phủ là mua ngoại tệ đúng giá đối với các ngành hàng có nguồn gốc từ sản xuất). 


 



Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường