Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Luật phải nghiêm và chính quyền phải mạnh tay
30 | 04 | 2008
Trong hai ngày 26 và 27/4, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên cơn sốt gạo. Dân đổ xô đi mua gạo. Giá gạo tăng từ 20-50% rồi leo tới 100%. UBND TP. Cần Thơ khẳng định đây là sốt giá ảo...

>>> Toàn cảnh cơn sốt ảo về giá gạo

Cách đây 4 ngày đã xuất hiện một hiện tượng lạ: Nhiều nhà máy kho lúa gạo ở Mỹ Khánh (Cần Thơ) chứa đầy lúa nhưng máy xay ngừng hoạt động. Gạo không bán ra, còn công nhân thì nghỉ làm, ngồi đánh bài “tiến lên” trước quán. Hỏi thì họ trả lời: “Mấy ngày nay các vựa lúa không ra hàng, mấy ông chủ đang neo gạo chờ giá lên”.

Ghim hàng chờ giá gạo lên

Mô tả ảnh.
Nhiều kho của doanh nghiệp còn đầy ắp lúa gạo.
Qua vùng Châu Thành A (Hậu Giang), tình hình ở các kho gạo cũng tương tự. Tại cầu Đất Sét gần thị trấn Cái Tắc, kho có nhiều lúa nhưng chủ nhà máy không xay. Anh Ba Tự, một người kinh doanh gạo ở đây cho biết: “Hiện nay giá lúa lên bất thường quá, nhiều chủ nhà máy không muốn xay lúa bán”.

Tại các kho gạo ở vùng Cầu Đôi, Long Hồ (Vĩnh Long), các kho đều đầy ắp, nhưng rất hạn chế xuất hàng, nằm im chờ giá. Anh Nguyễn Văn Ngôi, quê ở Long Hồ, một người buôn bán gạo lâu năm tiết lộ: “Gần đây, báo đài liên tục đưa tin khủng hoảng lương thực thế giới, nên nhiều người mua lúa gạo dự trữ chờ giá tăng vọt bán lấy lời. Ngay lúc này, các chủ vựa lúa gạo có tiền thu gom hàng vô, chờ giá cao thả ra. Kho còn đầy lúa gạo nhưng không ai muốn bán, một số thì viện lý do đã có ký hợp đồng, chưa xuất hàng. Số khác lại cho rằng, giá tăng nhanh quá, bán ra mai mốt mua lại không được”.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho rằng, qua thăm dò và nắm tình hình, việc một số tư thương kinh doanh gạo lợi dụng tình hình, đầu cơ nâng giá lúa gạo để trục lợi là có thật.

Ba ngày, giá tăng hơn gấp đôi

Mô tả ảnh.
Cửa hàng gạo ở Ninh Kiều- Cần Thơ
Ngày 27/4, từ sáng giá gạo đã tăng lên. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng, chủ nhà máy xay xát xã Thạnh Hoà - Châu Thành A (Hậu Giang) cho biết: “Ngày 26/4, tôi bán gạo dài Hàm Châu giá 9.500 đồng/kg. Mới sáng 27/4 đã có người tới đặt mua gạo với số lượng nhiều, tôi chưa kịp nói giá thì họ đã ra giá 12.000 đồng/kg. Thấy lạ, tôi bốc điện thoại hỏi các nơi thì té ra giá gạo tăng lên 3.000-4.000 đồng/kg so với chiều 26/4. Đến trưa 27/4, lại có thông tin giá gạo tăng gần gấp đôi giá bán ngày hôm qua. Tôi thấy diễn biến này thật là nguy, Chính phủ phải có biện pháp gì kiềm chế, nếu giá gạo tăng cao quá làm sao dân ăn gạo chợ sống nổi”.

Chị Hồng cho biết, dù hiện nay nhiều nhà máy vựa lúa ngưng ra hàng, nhưng mỗi ngày chị vẫn xay 10 tấn bán ra rồi lại mua vào lúa khác. Giá lúa bán cho nhà máy lúc này cũng tăng lên dữ lắm. Ngày 26/4 giá 5.600 đồng, đến ngày 27/4 giá lên đến 6.500 đồng, tính ra tới 130.000 đồng/giạ (một giạ lúa 20 ký), cao chưa từng thấy.

Tại chợ Cái Tắc, đến chiều 27/4 một vài điểm bán gạo lẻ đã đóng cửa do hết hàng. Tại Cần Thơ, đến gần 5 giờ tối dân vẫn ùn ùn kéo nhau đi mua gạo, nhiều điểm bán lẻ đã đóng cửa. Cách đây ba ngày, giá gạo thường rẻ nhất là 8.000 đồng/kg, nay tăng lên 17.000 đồng/kg. Gạo hương lài giá 12.500 đồng/kg, đến chiều 27/4 giá lên 25.000 đồng/kg. Gạo Thái lên giá 22.000 đồng/kg, gạo Mỹ giá tới 20.000 đồng/kg.

Anh Hiền, đại lý gạo Kim Thoa ở phường Tân An cho rằng: “Giá tăng vùn vụt, cao 100% so với cách nay 5 ngày. Bây giờ có người mua phải bán, nhưng bán hết chắc không còn hàng bán nữa, vì điện thoại vô các vựa gạo im không trả lời”.

Mô tả ảnh.
Ngày 27/4, nhiều đại lý gạo ở Cần Thơ rất đắt hàng
Tại đại lý của anh lúc nào cũng có 5-7 người mua, ít thì mua 5-10kg, nhiều thì lấy 1-2 bao, loại bao 50kg. Cả ngày 27/4, hầu như đại lý gạo nào ở Cần Thơ cũng vật lộn với tình hình chen chúc nhau mua gạo.

Tình hình cũng nóng lên ở Vĩnh Long, tuy không bằng Cần Thơ. Tại Chợ Cái Vồn - Bình Minh, đến khoảng 9 giờ sáng ngày 27/4 đã thấy cả chợ nhộn nhịp người đi mua theo phong trào.

Chị Nguyễn Yến Mai đi chợ mua gạo, đã giật mình khi đong xong một thùng táo gạo loại 20 lít (1 thùng táo gạo là là 16kg), người bán nói giá 217.000 đồng. Cũng bằng ấy gạo, cách nay 10 ngày, giá chỉ có 100.000 đồng. Chủ bán gạo - chị Bé Ba cho biết: “Hồi sáng tới giờ, có đến 5 chiếc xe tải loại nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh xuống đây ăn hàng, giá bao nhiêu cũng mua, từ sáng tới chiều giá phải chỉnh đến 4-5 lần, cao hơn hôm trước từ 8.000 đồng 10.000 đồng/kg, tuỳ loại gạo".

Chị Bé Ba cho biết thêm: “Ngày 27/4, các chủ bán gạo lời quá trời luôn, mua một bán hai sao không lời được. Ở chợ này có một chủ gạo, sau 4 giờ buôn bán đã lời tới… 38 triệu đồng! Chưa bao giờ người bán gạo đắt hàng và lời dữ dội như vậy”.

Dùng biện pháp mạnh chặn cơn sốt ảo giá gạo

Trao đổi với Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, ông cho biết: “Sau khi giao lưu trực tuyến với Chính phủ và nhận công điện của Chính phủ về nội dung đủ gạo cho tiêu dùng và xuất khẩu, tôi đã nhanh chóng cho lực lượng quản lý thị trường, ngành thuế và công an kinh tế nắm lại tình hình thực tế tại các cơ sở kinh doanh chế biến lương thực."

Theo ông Mẫn, có mấy nguyên nhân làm cho giá gạo tại Cần Thơ và ĐBSCL tăng đột biến. Trong vài ngày qua, các phương tiện thông tin nói nhiều về khủng hoảng lương thực thế giới, làm cho giới doanh nghiệp và đầu cơ bắt đầu ém hàng, không ra hàng hoặc ra hàng nhỏ giọt.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh cho xe xuống các tỉnh mua gạo với giá cao. Không loại trừ khả năng một số người mua gạo để xuất lậu bằng đường biển ra thị trường các nước lân cận.

Về phía người dân, do tâm lý lo xa lại đổ xô đi mua gạo, tạo ra tình hình thị trường nóng lên bất thường. Cho đến chiều 27/4, giá gạo từ 17.000 đồng/kg đến 25.000 đồng/kg, tuỳ loại ngon hay loại thường.

Qua nắm bắt tình hình của các lực lượng chức năng, nhiều dấu hiệu cho thấy có việc đầu cơ, nâng giá, trục lợi.

Thật sự thì nguồn lúa gạo tại ĐBSCL vẫn còn dư cho dân nước ta ăn tới có thu hoạch vụ lúa hè thu, vì năm 2008 vùng này trúng mùa đông xuân và và Chính phủ hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Cũng theo ông Mẫn, Cần Thơ sẽ thực nghiêm công điện của Chính phủ về bình ổn giá lương thực. Ngay chiều 27/4, đã có đoàn kiểm tra bao gồm công an kinh tế, thuế vụ và quản lý thị trường đi nắm tình hình.

Ngoài việc kiểm tra lượng lúa gạo hiện có của doanh nghiệp, giá đầu vào, giá bán ra, Thành phố có thể truy thu số tiền các doanh nghiệp nâng giá thu lợi bất chính trong cơn sốt ảo lúa gạo.

Mặt khác, UBND TP. Cần Thơ sẽ chỉ đạo công an kinh tế kiểm soát chặt chẽ không để xảy ra tình trạng xuất gạo lậu qua các nước lân cận.

“Tôi khẳng định Cần Thơ và các tỉnh không thiếu gạo, sốt giá trong ba ngày qua là do tâm lý người dân hoang mang, doanh nghiệp thừa cơ trục lợi”, ông Trần Thanh Mẫn nói. Ông cũng khẳng định, các tỉnh ĐBSCL sẽ phối hợp các biện pháp mạnh và đồng bộ để giá gạo và kinh doanh gạo nhanh chóng trở lại bình thường.

GS-TS Võ Tòng Xuân: Phải mạnh tay với đầu cơ gạo

Mô tả ảnh.
GS-TS Võ Tòng Xuân: Phải mạnh tay với đầu cơ gạo.
Trước tình hình lúa gạo ở ĐBSCL lên cơn sốt bất ngờ, tôi đã có văn bản đề nghị Chính phủ mạnh tay trị tội bọn đầu cơ trục lợi, gây ra tình hình căng thẳng về lúa gạo ở ĐBSCL.

Đây là vựa lúa của cả nước và thế giới, mùa đông xuân vừa rồi ta trúng mùa, xuất khẩu có giới hạn, làm sao lại lên cơn sốt chưa từng thấy như vậy. Rõ ràng là có bàn tay đầu cơ. Tôi đã đề nghị văn phòng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành và địa phương kê biên các cơ sở kinh doanh lúa gạo, từ đó có biện pháp quản lý, xử phạt, truy thu thuế trong những ngày giá gạo sốt ảo… Lợi dụng tâm lý lo sợ thiếu đói của giới ăn gạo chợ, bọn đầu cơ đã ém hàng, đẩy lúa gạo sốt ảo để hưởng lợi.

Ở ĐBSCL hiện nay, có 25% dân lệ thuộc vào gạo chợ, thành phần này chao đảo trong mấy ngày qua, còn 75% là nông dân, hầu hết họ còn để dành lúa ăn tới giáp hạt, vậy nên trong biến động ngày 27/4 về giá gạo, giới này bị thiệt hại nhiều. Tôi nghĩ rằng, theo công điện của Chính phủ, nếu các tỉnh mạnh tay và thực hiện nghiêm túc, tình hình sốt ảo giá gạo sẽ trở lại bình thường trong vài ngày tới. Vấn đề là giải quyết được bọn đầu cơ gạo, có biện pháp xử phạt nghiêm minh, có biện pháp truy thu thuế đối với doanh nghiệp trong thời gian sốt giá bất thường.

Luật phải nghiêm và chính quyền phải mạnh tay là sẽ bình ổn lại giá gạo ĐBSCL.



Nguồn: VietNamNet

Liên hệ với người gửi tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn



Báo cáo phân tích thị trường