Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những công cụ để đảm bảo an ninh lương thực lâu dài và ổn định
25 | 05 | 2008
Tính đến nay, thị trường gạo thế giới đã có gần chục phiên tăng giá liên tiếp do những căng thẳng không ngớt về nguồn cung. Nhiều nước đang tích cực trong việc mở mang diện tích trồng trọt, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự nỗ lực đó. Không chỉ đảm bảo ổn định an ninh lương thực trong nước, Việt Nam còn phải phấn đấu nâng cao số lượng và chất lượng gạo XK.
Đây là 2 mục tiêu đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.

Giữ vững diện tích 4 triệu ha

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, chỉ từ năm 2001-2005, đã có 366.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, chiếm xấp xỉ 4% tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng. Rất nhiều khu công nghiệp, đô thị tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nam... đa phần đều sử dụng quỹ đất chuyên trồng lúa.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang phối hợp với các bộ ngành cùng soạn thảo Chiến lược Phát triển lúa gạo đến năm 2015 và 2020. Dự kiến sẽ được trình Chính phủ vào quý 3/2008. Trong đó, có quy hoạch cụ thể về diện tích sản xuất lúa gạo theo từng vùng sinh thái; yêu cầu đặt ra là bảo đảm diện tích lúa ít nhất là 3,8 - 4 triệu ha. Tuy nhiên, việc giữ đất lúa không dễ khi Việt Nam vẫn đang thiếu bản quy hoạch cụ thể về đất nông nghiệp nên nhiều địa phương vẫn điềm nhiên xà xẻo đất lúa để làm công nghiệp, thậm chí là xây sân golf giữa đồng bằng.

Theo Bộ NN&PTNT với diện tích trồng lúa hiện khoảng 7,2 triệu ha (qui đổi cho 3 vụ trên diện tích thực là 4,2 triệu ha) và sản lượng đạt khoảng 36 triệu tấn/năm, việc đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam chưa có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, sản lượng này cũng mới chỉ đảm bảo an ninh lương thực cho khoảng 80 triệu dân và dành một ít cho XK. Nếu dân số tiếp tục gia tăng, hoặc thất thu do thời tiết, sâu bệnh... thì chắc chắn sẽ xảy ra nguy cơ thiếu lương thực

Làm gì để đạt được hai mục tiêu: An ninh lương thực và XK hàng hóa

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất ở đây ngoài việc giữ vững diện tích trồng lúa thì vấn đề áp dụng công nghiệp tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, nhằm tăng năng suất được xem là mấu chốt trong sản xuất lúa gạo. Trong khi Thái Lan và các nước khác đạt từ trên 6 triệu tấn/ha thì trung bình ở Việt Nam mới đạt gần 5 triệu tấn/ha. Đã vậy, lượng lúa thất thoát khâu thu hoạch của chúng ra vẫn rất cao, khoảng 13%, trong khi ở các nước tiên tiến như Mỹ, Australia... thất thoát chỉ khoảng 7%.

Thực tế thì từ những năm 2002, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 80/2002 Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Việt Nam cũng đã Chủ trương khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Nhưng tính đến nay sự kết dính giữa doanh nghiệp và nông dân dường như còn quá khiêm tốn. Tình trạng doanh nghiệp đầu tư cho nông dân nhiều hạng mục như giống, thuốc trừ sâu, thiết bị và công nghệ... và ký hợp đồng thu mua nông sản của nông dân nhưng đến vụ thu hoạch, nông dân thường chỉ bán cho doanh nghiệp khi giá các sản phẩm này trên thị trường thấp hơn giá doanh nghiệp thu mua...

Theo ông Nguyễn Huy Thông, Phó Vụ trưởng Vụ Trồng trọt Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp muốn tham gia ngay từ khâu trồng lúa là một phương án tốt. Bởi họ có điều kiện đầu tư công nghệ, đầu tư nghiên cứu và nhập những giống lúa tốt nhất, cải tạo đất và các kỹ thuật canh tác hiệu quả... doanh nghiệp cũng có khả năng huy động và tập trung các nguồn lực hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng lương thực. Mô hình gắn kết quyền lợi giữa doanh nghiệp và người nông dân của Tổng công ty Cao su là một ví dụ thành công.

Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải nghiêm túc xem xét cơ chế kinh tế nông nghiệp - nông thôn hiện hành. Tuy đã có bước chuyển ngoạn mục từ một nước không đủ lương thực thành nước XK gạo lớn thứ hai thế giới, nhưng về cơ bản vẫn chưa có sự bền vững. Vì thế cần nhanh chóng hoàn thiện cơ chế kinh tế nông thương. Bởi theo kinh nghiệm của các nước phương Tây, nông gia được bảo vệ quyền lợi không đơn thuần xuất phát từ pháp quyền, mà thông qua cơ chế kinh tế nông thương, qua điều tiết thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể là nhà nông được tiếp cận toàn diện thị trường địa phương, quốc gia và toàn cầu.

Mặt khác, được bảo hiểm đầu thời vụ nuôi trồng với phí bảo hiểm ưu đãi nhờ sự bao cấp chính phủ, họ có cơ may hạn chế bớt thiệt hại khó lường do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Điều này cho thấy, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam hiện nay phải được xem là công cuộc kinh doanh thực sự, đòi hỏi nhiều nguồn vốn đầu tư để đổi mới công nghệ trước và sau thu hoạch... như vậy mục tiêu an ninh lương thực và dành cho XK hàng hóa mới đạt hiệu quả cao.



Nguồn: Báo Công Thương
Báo cáo phân tích thị trường