Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam đã có bước đi đúng về kinh tế vĩ mô
02 | 06 | 2008
Trong hai ngày 17 và 18-6 tới, vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) theo dự kiến sẽ diễn ra tại Bỉ. Cũng trong tháng 6 này, vòng đàm phán tiếp theo về Khu vực mậu dịch tự do EU-ASEAN cũng sẽ diễn ra tại Ma-li-la (Phi-líp-pin).

Nhân dịp này, ngài Sin Đoi-lơ, Đại sứ Phái đoàn Ủy ban châu Âu (EC) tại Việt Nam đã đưa ra một số nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam cũng như triển vọng hợp tác Việt Nam – EU trong thời gian tới.

 

- Những năm gần đây quan hệ hợp tác Việt Nam – EU liên tục phát triển. Theo ngài, trong thời gian tới hai bên cần phải làm gì để tiếp tục thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương?

 

- Trong quan hệ thương mại với EU, Việt Nam là nước được hưởng lợi với tỉ lệ xuất siêu khoảng 5,66 tỷ USD. Trong thời gian tới, với vai trò quan trọng trong khu vực, Việt Nam cần xúc tiến nhanh chóng quá trình đàm phán khu vực tự do mậu dịch EU-ASEAN. Việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ đem lại những cơ hội lớn hơn và giải pháp lâu dài trên thị trường châu Âu cho những nhà xuất khẩu ASEAN trong đó có Việt Nam. Lúc đó, hàng hóa Việt Nam sẽ có lợi thế hơn về giá cả so với những mặt hàng cùng loại trên thị trường châu Âu.

 

- Điều gì khiến các nhà đầu tư EU e ngại nhất khi tham gia thị trường Việt Nam hiện nay?

 

- Quan ngại lớn nhất của chúng tôi đó là tình trạng quan liêu. Đây là một trong những tồn tại mà Việt Nam đang tập trung giải quyết. Tuy nhiên, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết triệt để vấn đề này. Để lôi cuốn các nhà đầu tư tham gia thị trường Việt Nam, trước hết các bạn phải cho họ thấy những điều kiện thuận lợi. Nói một cách khác, khi thủ tục càng minh bạch hơn, nhanh chóng hơn sẽ khiến các nhà đầu tư cảm thấy hấp dẫn hơn khi vào thị trường này.

 

- Trước tình hình giá cả và lạm phát gia tăng, đã có những ý kiến phân tích tiêu cực về nền kinh tế Việt Nam. Những phân tích ấy dường như trái ngược với nhận định của EU. Vậy ngài có ý kiến gì về sự khác biệt này?

 

- Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều nước trong khu vực cũng đang phải chịu chung tình trạng giá cả và lạm phát gia tăng. Tất nhiên, không thể phủ nhận mức lạm phát 22 % như hiện nay là cao và nhiều người còn dự trù con số này sẽ còn cao hơn nữa. Song, theo tôi, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đi đúng đắn về kinh tế vĩ mô. Vì vậy, tôi nghĩ rằng chúng ta phải chờ thêm một thời gian nữa để những chính sách này phát huy hiệu lực thì mới có thể đưa ra những đánh giá chính xác.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam có khả năng thích nghi rất cao trong mọi tình huống khó khăn. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trong vụ kiện chống phá giá giày dép của Việt Nam trong thời gian qua, Mặc dù phải chịu thuế chống bán phá giá, nhưng Việt Nam đã thể hiện năng lực trong việc điều chỉnh lại sản xuất của mình và thực tế số lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam thời gian qua vẫn tăng. Đây là một nỗ lực tuyệt vời mà các bạn đã làm được. Tôi nghĩ rằng các bạn nên tiếp tục theo sát những chính sách đúng đắn của mình.

 

- Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng lạm phát là do FDI đổ vào Việt Nam quá nhiều trong khi nền kinh tế Việt Nam lại không thể hấp thụ kịp. Suy nghĩ của ngài về vấn đề này thế nào?

 

 - Đúng là đã có những tác động nhất định gây ra bởi luồng FDI với hiện tượng lạm phát gần đây. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, không phải quốc gia nào cũng có thể thu hút nguồn FDI lớn như Việt Nam. Vì vậy không nên coi FDI là một yếu tố tiêu cực. Thực tế cho thấy, những chính sách của Chính phủ Việt Nam cùng sự tư vấn của Tổ chức tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) đã giúp Việt Nam phản ứng rất nhanh trước tình hình vừa qua. Thật dễ nếu chỉ đưa ra những chỉ trích khi lạm phát xảy ra. Tuy nhiên, đôi khi phải lưu ý rằng, lạm phát cũng là một cái giá của sự phát triển. Quan trọng hơn cả đó là Việt Nam đã có những dự đoán trước để đối phó với những gì đang diễn ra.



Theo Hà Nội Mới
Báo cáo phân tích thị trường