Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh giàu nhờ xuất khẩu mủ cao su
05 | 06 | 2008
Tại cuộc họp cuối tuần qua với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh bàn phương hướng phát triển cây cao su tại tỉnh này, NNVN đã có cuộc trò chuyện với ông Lê Quang Thung- TGĐ Tập đoàn Công nghiệp cao su VN^...
Hà Tĩnh được ví là "chảo lửa túi mưa", vả lại xưa nay người dân Hà Tĩnh chưa hề tiếp cận với cây cao su, thưa ông?

Định hướng của Chính phủ là từ năm 1995 đến 2010 cả nước phấn đấu đưa tổng diện tích cao su lên 700 ngàn ha và ngành cao su Việt Nam cũng sẽ phấn đấu đến năm 2020 đưa lên 1 triệu ha. Để đạt được mục tiêu trên, mấy năm qua Tập đoàn CNCSVN đã phối kết hợp với các tỉnh mở rộng diện tích khai hoang, trồng mới cây cao su, song hành với chương trình trồng 5 triệu ha rừng. Vì thế, ở đâu còn đất rừng hợp với cây cao su thì ở đó chúng tôi sẽ tiếp cận.

Ngoài các vùng đất truyền thống như Tây Nguyên, các tỉnh miền Tây Nam bộ, Nam Trung bộ... chúng tôi đang mở rộng cây cao su ra các tỉnh phía Bắc như: Điện Biên, Lai Châu... Hà Tĩnh là tỉnh giàu tiềm năng về đất đai, đời sống nhân dân vất vả, quanh năm sống bằng SXNN, người Hà Tĩnh thông minh, cần cù... Với ý nghĩa đó, cho dù là "đánh bạc" với trời đi chăng nữa chúng tôi vẫn quyết tâm đưa cây cao su về với nông dân Hà Tĩnh. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tin tưởng ở phần thắng!

Những thuận lợi và khó khăn khi Tập đoàn quyết định đầu tư trồng cao su ở Hà Tĩnh?

Thuận lợi là được sự đồng thuận, nhất trí cao giữa các cấp uỷ Đảng, chính quyền đến mỗi người dân. Vì thế, chỉ trong 6 - 7 năm trở lại đây, tỉnh đã khai hoang trồng mới được gần 5.000 ha cây cao su, trong đó đã đưa hơn 500 ha vào khai thác, năng suất, chất lượng mủ khá khả quan.

Theo dự tính thì cuối năm 2008, đầu năm 2009 chúng tôi sẽ đưa vào khai thác hơn 1.000 ha nữa, lúc đó chắc chắn đời sống của hơn 1.000 CBCNV và số nông dân nhận khoán vườn cây sẽ khá dần lên. Cũng từ kết quả trên mà Tập đoàn đã tiếp nhận thêm một thành viên mới để mở rộng quy mô phát triển, đó là Cty Cao su Hương Khê.

Còn khó khăn cũng không ít bởi địa hình, độ dốc những vùng trồng cao su là khá dốc. Khí hậu cũng khắc nghiệt, chỉ riêng năm 2007 bão số 2 và số 5 đổ bộ vào Hà Tĩnh làm 300 ha cao su bị đổ gãy.

Còn hướng đầu tư của Tập đoàn trong thời gian tới tại Hà Tĩnh?

Theo quy hoạch chung của tỉnh và sự liên kết, phối kết hợp giữa Tập đoàn CNCSVN thì từ nay đến 2015 Hà Tĩnh phấn đấu trồng mới 7.000 ha, đưa tổng diện tích cao su toàn tỉnh đạt 12 ngàn ha, số diện tích đưa vào khai thác khoảng từ 8.000 - 10.000 ha, sản lượng mủ từ 9 - 10 ngàn tấn/năm. Với đà này, một ngày không xa nữa Hà Tĩnh sẽ trở thành tỉnh giàu mạnh về xuất khẩu mủ cao su...

Để thực hiện được lộ trình trên, Hà Tĩnh phải nhanh chóng quy hoạch, chuyển đổi rừng trồng kém hiệu quả, diện tích rừng nghèo kiệt và đất trống, đồi núi trọc sang trồng cao su đúng với tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra. Khi có đất, Tập đoàn CNCSVN sẽ là người đứng ra chịu trách nhiệm chính về nguồn vốn và giống. Tuyệt đối không đầu tư tràn lan như trước đây, hạng mục đầu tư chính là nhằm vào khai hoang, trồng mới và tập trung xây dựng nhà máy chế biến mủ với công suất đạt từ 3.000 tấn/năm, nhằm giải quyết việc làm cho khoảng từ 5 - 6 ngàn lao động.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường