Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đắc Lắc: Phát triển cao su liên kết, tạo sự gắn bó kinh tế với nông dân
07 | 09 | 2007
Thực hiện đa dang hóa loại hình sản xuất kinh doanh, từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ngành cao su Đắc Lắc đã liên kết với bà con trên địa bàn quy hoạch phát triển cây cao su.
Với hình thức liên kết sản xuất này, toàn tỉnh đã trồng được trên 3.500 ha cao su tiểu điền ở nhiều vùng. Hiện nay, hầu hết những diện tích cao su này đã đưa vào khai thác mủ với năng suất đạt từ 1,1 đến trên 1,6 tấn mủ khô/ha (thấp hơn cao su quốc doanh). Việc phát triển sản xuất cao su liên kết đã khai thác tiềm năng đất đai, nguồn vốn và lao động tại chỗ, mở hướng làm giàu cho nông dân, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Công ty cao su Đắc Lắc ký hợp đồng với từng hộ dân sinh sống trên những địa bàn trồng cây cao su trong vùng quy hoạch sản xuất. Diện tích đất trồng cao su tiểu điền được Nhà nước cấp giấy sử dụng đất lâu dài, tạo điều kiện cho bà con yên tâm sản xuất kinh doanh và tập trung mọi khả năng đầu tư thâm canh vườn cây. Công ty cao su đầu tư toàn bộ khâu làm đất, cung cấp cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu và các loại vật tư cần thiết cho sản xuất; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón và tập huấn phương pháp cạo mủ cao su cho bà con. Sau khi cạo mủ, bà con sẽ trả dần vốn đầu tư của Công ty bằng sản phẩm mủ tươi. Trên cơ sở quy hoạch vùng kinh tế, Công ty đã giao cho từng nông trường đóng trên địa bàn làm nhiệm vụ cấp phát vốn, vật tư; quản lý, theo dõi tình hình sản xuất và chỉ đạo việc khai thác mủ cao su. Theo sự thỏa thuận của doanh nghiệp nhà nước với hộ nông dân, các nông trường tiêu thụ toàn bộ số nguyên liệu mủ nước cao su theo giá thị trường để đưa về nhà máy chế biến mủ của Công ty.

Sau nhiều năm đầu tư cho phát triển sản xuất, các đơn vị sản xuất: Nông trường Chư M’ga, Nông trường Chu Đăng, Nông trường Chư Bao liên kết với dân trồng từ 408,2 đến 1.140 ha cao su. Các đơn vị: Nông trường Phú Xuân, Nông trường 30-4 liên kết trồng từ 50 đến 123 ha cao su liên kết. Trung tâm đầu tư phát triển cao su Ea H’Đin (thuộc địa bàn huyện Chư M’ga) trồng 1.300 ha cao su. Trong số những người dân tộc thiểu số tại chỗ liên kết sản xuất, đã có không ít số hộ trồng từ vài chục đến trên 100 ha cao su tiểu điền. Bằng hình thức sản xuất liên kết, ngành cao su Đắc Lắc đã tạo thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân. Với giá sản phẩm như hiện nay, không ít số hộ người dân tộc thiểu số trồng cao su tiểu điền hàng tháng có thu nhập từ 10 đến trên 20 triệu đồng. Nhiều gia đình nông dân người dân tộc thiểu số ở trong huyện Chư M’ga, Krông Buk trước đây trước đây nghèo đói, điều kiện sản xuất, sinh hoạt gặp khó khăn, nay nhờ phát triển cao su liên kết, kinh tế gia đình trở nên giàu có. Tiêu biểu như gia đình ông Ama Ben liên kết với Nông trường Chư Bao (thuộc địa bàn huyện Krông buk) trồng 180 ha cao su tiểu điền và toàn bộ diện tích này đã đưa vào khai thác mủ. Hàng năm, gia đình Ama Ben có mức thu nhập 4-5 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho trên 80 lao động là người dân tộc thiểu số tại chỗ với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng. Kinh tế khá lên, Ama Ben xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô, các loại máy móc, phương tiện kỹ thuật phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Ama Ben còn giúp đỡ vốn liếng, vật tư cho nhiều gia đình nông dân tại địa phương sản xuất, tự cải thiện đời sống và vươn lên làm giàu.

Trong quá trình liên kết sản xuất với nông dân, ngành cao su Đắc Lắc thực hiện đa dạng hóa hoạt động kinh doanh và đã thu được hiểu quả nhiều mặt. Đó là sự giải quyết việc làm cho nhiều lao đông nông thôn, thay đổi tập tục lao động, nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa bà dân tộc thiểu số từ cuộc sống du canh, du cư chuyển sang sản xuất cây công nghiệp, tạo ra nguồn sản phẩm xuất khẩu quan trọng. Trên nền tảng liên kết sản xuất, ngành cao su đã tạo lập mối liên hệ mật thiết, bền vững giữa doanh nghiệp Nhà nước với hộ nông dân, phát huy được vai trò chủ đạo của đơn vị kinh tế quốc doanh đóng trên địa bàn./.



Nguồn tin: Agroviet
Báo cáo phân tích thị trường