Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân phải... xin giảm giá bán cá
07 | 08 | 2008
Theo một số hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ, An Giang… hiện để được doanh nghiệp thu mua cá thì họ phải làm đơn xin giảm giá bán cá từ 300- 500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thu mua cá hiện nay chỉ dao động từ 13.600 - 14.000 đồng/kg.

“Đúng là chuyện này có thật! Nhưng đó là người nuôi kéo đến công ty, tự làm đơn xin giảm giá bán cá mà chúng tôi không thể giải quyết. Bởi công ty thu mua phải lên kế hoạch có ngày, có tháng chứ đâu phải như họ nghĩ là giảm giá sẽ được thu mua ngay”, ông Nguyễn Duy Nhứt, Giám đốc Tài chính của Công ty Nam Việt cho biết.

Theo ông Nhứt, khả năng tiêu thụ nguyên liệu của Nam Việt hiện chỉ vào khoảng 1.200 tấn/ngày. Do đó, chỉ căn cứ vào lượng hợp đồng đã ký trước đó với người nuôi thì Nam Việt đã phải mất khoảng hai tháng mới tiêu thụ hết nên chẳng thể thu mua thêm của những người xin giảm giá này. “Đây là một bài toán cực khó!”, ông Nhứt nói.

Nhiều người nuôi cá đã không có tiền để duy trì đàn cá. Chính ông Phan Văn Danh, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cũng là một người nuôi cá và không tránh khỏi tình trạng này.

Ông Danh kể rằng 200 tấn cá của gia đình ông mỗi ngày “ngốn” 24 triệu đồng tiền thức ăn. Hôm rồi, ông liên hệ với một công ty để bán cá, ban đầu doanh nghiệp hẹn là một tháng sẽ xuống bắt, nhưng sau cùng đúng một tháng rưỡi mới có người xuống. "Thậm chí tôi phải năn nỉ công ty cho ứng trước ít tiền để cho cá ăn trong lúc chờ bắt, nhưng rốt cuộc chẳng được ứng đồng nào. Ba ngày nay, họ đã đến bắt 150 tấn cá, nhưng tiền thì chẳng biết khi nào mới được nhận”, ông nói.

Ông Danh cũng nhìn nhận rằng chuyện người nuôi làm đơn xin giảm giá bán cũng chẳng có gì lạ khi thức ăn liên tục tăng giá nhưng giá bán cá lại giảm, trong khi vốn liếng thì chẳng còn nên ai cũng muốn “tống khứ" đàn cá, bất kể giá thu mua thế nào.

Tại Công ty Thủy sản Bình An (Cần Thơ) thì chưa phát sinh tình trạng người nuôi kéo đến làm đơn xin giảm giá bán. Nhưng ông Võ Thành Khôn, Giám đốc Kế hoạch của công ty này cho rằng, có lẽ nguyên nhân phát sinh tình trạng trên là do những người nuôi cá tự phát, theo phong trào.

“Nếu nói đúng hơn thì chính Nhà nước cũng tự phát trong chuyện nuôi cá! Không ai đứng ra phối hợp và thống nhất giữa các tỉnh để xây dựng vùng nuôi, hoạch định sản lượng cho phù hợp”, ông Danh phân vân.



Nguồn: TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường