Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Số phận hạt lúa sẽ càng mong manh?
12 | 08 | 2008
Sau khi có quyết định thu thuế xuất khẩu gạo, một số doanh nghiệp tại ĐBSCL đã ngưng thu mua lúa để chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính. Giá lúa đang giảm dần mà cũng không ai thu mua khiến nhiều nông dân lo lắng...
Ế ẩm hạt lúa!

Tháng trước, anh Nguyễn Văn Hài, ở xã Trường Thành, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã thu hoạch dứt điểm lúa hè thu, bán ngay với giá 4.800 đồng/ki lô gam.

“May thiệt! Mấy ngày nay, giá lúa đã hạ dữ lắm! Mà ngóng dưới sông cũng chẳng thấy ghe của thương lái đi thu mua. Còn mấy nông dân ở sâu trong đồng, lúa còn trong nhà nhiều lắm mà chẳng biết sao để bán. Nhiều người đã quyết định be bồ trữ lại, chờ... thời”, anh nói.

LTS: Khi nói đến khó khăn mà nền kinh tế nước ta đang phải trải qua, người ta thường nghĩ đến các doanh nghiệp, dù là tập đoàn lớn hay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thật ra, những hộ sản xuất, cụ thể là nông dân, người nuôi cá, người trồng rau, cũng đang phải chật vật đương đầu với những khó khăn mà đối với họ có tác động trực tiếp lên đời sống thường nhật. Chuyên mục Sự kiện & Vấn đề tuần này phản ánh những khó khăn như thế ở những người làm ra hạt lúa, con cá và bó rau cho xã hội.
Anh Nguyễn Thiện Khánh, chuyên thu mua lúa gạo ở phường An Bình, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) cũng thừa nhận, hầu như các doanh nghiệp đã ngưng đặt hàng gạo nguyên liệu xuất khẩu.

“Trước đó vài tuần, nông dân thì cứ khăng khăng “đòi” 4.700 đồng/ki lô gam mới chịu bán. Còn bây giờ, giá đã xuống tới 4.400 đồng/ki lô gam (lúa khô) nhưng cũng chẳng ai mua vì doanh nghiệp vẫn “hy vọng” giá thấp hơn”, anh cho biết.

Do “cung” chẳng gặp “cầu”, nên dù giá thị trường “danh nghĩa” hiện vào khoảng 4.400 đồng/ki lô gam lúa, nhưng giữa nông dân và người thu mua ít có “giao dịch” nào thành. Theo anh Khánh, lượng lúa hè thu hiện còn tồn đọng trong dân khá lớn.

Trong tháng 7 vừa qua, hầu như các doanh nghiệp chỉ phải tập trung cho... 200.000 tấn gạo xuất sang Philippines - mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa phân bổ, cộng thêm một số hợp đồng nhỏ đã ký trước đó (cũng khoảng 200.000 tấn), nên với lượng gạo dự trữ còn khá lớn trong kho, chẳng mấy doanh nghiệp màng đến chuyện đẩy mạnh thu mua lúa, gạo nguyên liệu.

Theo VFA thì tính đến cuối tháng 7, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 3,4 triệu tấn gạo, tức chỉ tiêu cho đến tháng 9 chỉ còn rất ít - 0,1 triệu tấn. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ước tính đến hết tháng 7, lượng gạo đã xuất đạt khoảng 2,7 triệu tấn - tức trong quí 3 này chỉ cần thêm khoảng 0,8 triệu tấn?

Mới đây giá sàn đối với gạo 5% tấm của Việt Nam được điều chỉnh còn khoảng 620 đô la Mỹ (hồi tháng 6 là 800 đô la Mỹ/tấn) - do giá thóc trên thị trường nội địa giảm và bù lại việc đánh thuế xuất khẩu gạo... Phải thừa nhận rằng, trong tháng qua VFA đã cố gắng linh động, nhiều lần điều chỉnh giảm giá sàn, nhưng thường vẫn “lạc hậu” so giá thị trường.

Như căn cứ giá mà Trung tâm Thông tin Thương mại (Bộ Công thương) công bố, thì vào ngày 2-8 giá gạo 5% tấm của Việt Nam vẫn ở mức 630-650 đô la Mỹ/tấn (giá FOB). Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, giá thực tế trên thị trường hiện dưới... 600 đô la Mỹ/tấn! Như vậy, nếu có ký hợp đồng mới, doanh nghiệp cũng chẳng được xuất khi thông qua VFA bởi giá bán sẽ thấp hơn giá sàn.

Với diễn biến trên, tốc độ thu mua lúa, gạo khó lòng được doanh nghiệp đẩy mạnh trong những ngày tới. Một phần là do vụ vừa qua, nông dân ào ạt trồng loại giống cao sản - hạt ngắn, màu đục, chỉ có thể làm nguyên liệu cho gạo 15 và 25% tấm nên doanh nghiệp cũng khó thu mua vì không đạt yêu cầu...

Nông dân sẽ giảm doanh thu?

Một số chuyên gia cho rằng, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khó có thể giảm tiếp trong những ngày tới, do giá xăng vừa qua đã tăng 31% - tức chi phí vận chuyển... buộc phải tăng. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn cung gạo thế giới đã có khuynh hướng tăng, nhiều nước đã mua đủ lượng gạo cần thiết, rồi một số nước đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo - như Ai Cập tuyên bố sẽ xuất khẩu gạo trở lại vào đầu tháng 9, nên nếu giá gạo có giảm tiếp cũng không khiến nhiều người ngạc nhiên!

Tuần qua, giá gạo Thái Lan giảm khoảng 3% trong khi gạo Việt Nam giảm khoảng 10%. Và gần đây, khi Chính phủ quyết định thu thuế xuất khẩu gạo với mức từ 0,5-2,9 triệu đồng/tấn (tính theo phương pháp lũy tiến dựa vào giá xuất khẩu gạo tăng dần), thì một số chuyên gia kinh tế dự báo thu nhập của nông dân sẽ có nguy cơ tụt giảm trong những ngày tới!

“Trước mắt, nông dân sẽ phải gánh khoản thuế này”, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo thừa nhận. Theo ông này, với diễn biến thị trường hiện nay, khó lòng các nhà nhập khẩu chấp nhận tăng giá mua, và cũng đừng hy vọng doanh nghiệp sẽ “bấm bụng” trích lợi nhuận nộp thuế mà họ sẽ tính toán chi li để trừ vào giá thu mua lúa của nông dân.

“Đó là thực tế khi áp dụng thuế xuất khẩu gạo” - Tiến sĩ Mai Văn Nam, Trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Cần Thơ) khẳng định! Theo ông, đặc thù của hệ thống thu mua lúa, gạo trong dân hiện nay là hầu như chỉ do các thương lái, doanh nghiệp tư nhân nắm giữ, sau đó cung ứng lại cho thị trường nội địa và các doanh nghiệp xuất khẩu.

Do đó, sẽ chẳng có sự phân biệt, cạnh tranh với nhau khi thu mua cung ứng nội địa và xuất khẩu mà tất cả sẽ “cào bằng” theo giá mà doanh nghiệp xuất khẩu đưa ra để ép giá mua của nông dân. “Chỉ có các nhà phân phối gạo cho thị trường nội địa là hưởng lợi vì thu mua cùng giá, nhưng không phải đóng thuế tương ứng như xuất khẩu”, ông nói.

Còn giả như giá gạo nội địa giảm nhờ ảnh hưởng chính sách thuế, thì theo Tiến sĩ Đinh Phi Hổ, Trưởng bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Đại học Kinh tế TPHCM), lúc đó khác nào đánh đổi sự chịu đựng của đa số nông dân bằng lợi ích cho thiểu số dân cư thành thị? Hiện nay, dân số sống bằng nghề nông vẫn chiếm đến 70% dân số cả nước!

“Chỉ khi hoàn chỉnh hệ thống phân phối, nhiều thành phần cùng tham gia thu mua, tạo được thị trường cạnh tranh lành mạnh thì mới mong có chuyện doanh nghiệp chấp nhận giảm phần chênh lệch (lợi nhuận) khi xuất khẩu để nộp thuế”, ông Nam phân tích.

Nếu có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia thu mua để cung ứng nội địa, dĩ nhiên họ và các cơ sở tư nhân, thương lái... sẽ cạnh tranh và có nhiều khả năng tăng giá thu mua cao hơn (do không phải nộp thuế xuất khẩu). Và khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu buộc cũng phải trích lợi nhuận, nâng giá mua theo...

Thực tế, một số nước trên thế giới đã áp dụng việc thu thuế xuất khẩu gạo nhằm tạo nguồn thu ngân sách, điều tiết sản lượng xuất khẩu và giá gạo nội địa. Còn tại Việt Nam, thu thuế trong bối cảnh hệ thống thu mua phân phối có “vấn đề”, theo ông Nam có lẽ trước mắt chỉ đạt được “trọn vẹn” một mục tiêu là thu ngân sách.



Nguồn: TBKTSG
Báo cáo phân tích thị trường