Là một doanh nghiệp có tiếng với các sản phẩm đậu phộng, Công ty cổ phần Tân Tân đang đối mặt với không ít khó khăn khi phải thay đổi xoành xoạch kế hoạch kinh doanh để phù hợp với biến động thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Nam, giám đốc kinh doanh của công ty, cho biết để bảo đảm doanh số tăng 30% như hiện nay, công ty buộc phải cắt giảm từ 155 dòng sản phẩm xuống còn 65 loại. "Chúng tôi phải thanh lọc các sản phẩm, những mặt hàng nào không đem lại lợi nhuận thì ngừng sản xuất, đồng thời thúc đẩy mạnh nhóm hàng có chỗ đứng trên thị trường" - ông Nam cho biết.
Cùng với việc cắt giảm hẳn những chuyến công tác nước ngoài, Tân Tân còn cắt giảm số sản phẩm mới dự định tung ra thị trường. Các chương trình quảng cáo, hoạt động PR hỗ trợ thương hiệu gần như phải xếp xó để tiết kiệm chi phí, trong khi vẫn phải không ngừng mở rộng thị trường những mặt hàng vốn được tiêu thụ mạnh.
Nhiều doanh nghiệp cho biết trong thời buổi khó khăn họ tập trung vào thế mạnh sẵn có, không thu hẹp thị trường mà chỉ rà soát tuần tự ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm đem lại doanh thu ổn định, trì hoãn đầu tư những sản phẩm chưa có lời nhiều.
Các chi phí sản xuất như vật tư, bao bì, tiền lương, nguyên liệu sản xuất đồng loạt tăng buộc các doanh nghiệp áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ từ tiết kiệm, điều chỉnh sản xuất đến nâng cao chất lượng quản trị doanh nghiệp.
Ông Trần Quí Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị Tân Hiệp Phát - doanh nghiệp kinh doanh nước giải khát, cho biết từ cuối năm 2007 đến nay đã có những điều chỉnh về mặt quản trị để ứng phó với khó khăn chung. Nhằm giảm áp lực trong sản xuất, doanh nghiệp này phải hạ mức tăng trưởng lại, tập trung đẩy mạnh các sản phẩm chủ lực.
Các ngành hàng dầu ăn, kem đánh răng, thực phẩm ăn liền... dù nằm trong nhóm hàng có mức tăng trưởng khá tốt trong thời gian qua, nhưng hiện cũng phải đối mặt với giá nguyên vật liệu biến động mạnh.
Theo ông Lê Trung Thành - chuyên gia kinh tế, câu chuyện khó khăn chung của doanh nghiệp vẫn còn dài. "Để tự cứu mình không cách nào khác doanh nghiệp phải tự mình vượt qua khó khăn" - ông Thành nhấn mạnh.
Nhưng đối phó như thế nào để tránh mức độ rủi ro cao nhất? Ông Thành phân tích chỉ có một số ngành hàng rơi vào nhóm nhạy cảm về giá, đây chính là nhóm hàng cần được điều chỉnh để không bị đào thải khỏi thị trường. Dựa trên sự phân tích biến động ngành hàng và độ nhạy cảm về giá, doanh nghiệp có thể tự xếp mặt hàng mình đang kinh doanh thuộc nhóm nào để điều chỉnh hợp lý.
Thực tế cho thấy có những mặt hàng tuy có độ nhạy cảm về giá cao nhưng lại suy giảm ít như xà phòng, kem đánh răng, thực phẩm ăn liền..., trong khi cũng có những mặt hàng nhạy cảm giá rất thấp như dầu ăn, sữa đặc...
Theo đại diện của Công ty Ace Cook, hiện nay mức tăng trưởng bình quân trong tháng của Ace Cook là 5-10%, trong đó tốc độ tăng các dòng sản phẩm cao cấp khá mạnh.
Đây chính là điều kiện thuận lợi để công ty tận dụng tung ra nhiều sản phẩm mới nâng cấp sản phẩm mì gói. Hiện nay Ace Cook tiếp tục đầu tư dây chuyền để mở rộng sản xuất thêm nhiều dòng sản phẩm mới như bún, phở ăn liền... và duy trì mỗi năm tung ra thêm 4-5 nhãn hàng mới. Tương tự, mạng lưới phân phối của Tân Tân cũng như Tân Hiệp Phát đều mở rộng trên các tỉnh thành và có mặt ở hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP.HCM.