Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cho những vùng đồi thêm xanh
03 | 09 | 2008
Sau hơn 35 năm thống nhất đất nước, Gia Lai đã có những bước tiến dài trong việc "trồng cây gây rừng" trên những vùng đồi - nơi mà trước đây còn đầy rẫy những bom đạn của chiến tranh. Bây giờ, những vùng đồi này đang dần khép kín một màu xanh bằng những loại cây trồng kinh tế. Cây cao su trải dài trên địa bàn các huyện nằm ở phía Tây Trường Sơn như Đức Cơ, Chưprông, Chưpảh, Chư Sê...Tỉnh hiện có khoảng gần 60.000 ha cao su, trong đó phần lớn diện tích đã cho khai thác mủ và đã biến nơi đây thành những "mỏ vàng" góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Việc đưa cây cao su vào trồng trên những vùng đất đồi ở Gia Lai thành công được coi là một kỳ tích, bởi lúc ban đầu chưa có sự thống nhất cao của lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh; hơn nữa vốn đầu tư lớn, nhiều nguy hiểm rình rập dễ dẫn đến tai nạn lao động. Không ít trường hợp bị tử vong, hoặc thương tích, thiệt hại nhiều tài sản khác trong quá trình khai khẩn đất hoang bị bom mìn gây nổ. Do vậy, diện tích trồng cao su chỉ mới bắt đầu tăng tốc từ sau năm 1990 khi các doanh nghiệp của Trung ương "đặt chân" trên địa bàn giúp địa phương khai khẩn đất hoang trên những vùng gò đồi. Hiện nay, trên vùng đất đỏ bazan này, 10 doanh nghiệp trồng cao su của Trung ương thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và Binh đoàn 15 đã có mặt. Bình quân mỗi đơn vị có tới 6.000 - 7.000 ha cao su và đang có chiều hướng tăng tốc vươn tới những vùng khó khăn hơn, đó là chuyển đổi 51.000 ha rừng nghèo sang trồng cây cao su theo chủ trương lớn của Chính phủ. Theo kế hoạch, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam được tỉnh tạm giao quỹ đất 14.000 ha và Binh đoàn 15 được giao 13.000 ha. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tư nhân cũng đã tham gia trồng cao su trên quỹ đất rừng nghèo chuyển đổi như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (8.000 ha), Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long (5.000 ha), Công ty TNHH 30/4 (6.000 ha)...Trong năm 2008, các doanh nghiệp cao su Trung ương và địa phương đã khai hoang hơn 8.000 ha và đang tập trung lao động, phương tiện trồng mới hết diện tích.
Cây cao su ở Gia Lai phát triển mạnh góp phần tăng độ che phủ, bảo vệ môi trường và mang lại nguồn lợi lớn cho xã hội. Quan trọng hơn, nó góp phần chăm lo tốt đời sống của đồng bào dân tộc tại chỗ. Hơn 10.000 lao động ở các buôn - làng sống trong vùng phát triển cây cao su được tiếp nhận vào làm công nhân trong các doanh nghiệp và có mức thu nhập khá cao. Bình quân mỗi lao động nhận khoán 3 ha cao su kinh doanh,tiền lương cơ bản khoảng 3 triệu đồng/tháng, đó là chưa tính đến mức thưởng vượt khoán sản lượng mủ hàng năm. Đây là mức thu nhập mà từ trước đến nay bà con chưa hề nghĩ đến. Không những chỉ có lao động trực tiếp hưởng lợi, dân làng cũng được hưởng lợi rất nhiều từ phía các doanh nghiệp hỗ trợ như: đầu tư làm đường giao thông, mắc điện sinh hoạt, hỗ trợ cây giống và hướng dẫn kỹ thuật bà con phát triển sản xuất... Mỗi năm, các doanh nghiệp chuyên canh cao su hỗ trợ hàng chục tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trên địa bàn. Đời sống của bà con ở các buôn - làng trong vùng phát triển cây cao su đã cơ bản ổn định, gần như nhà nào làm ăn cũng có dôi dư tích luỹ và mua sắm được nhiều đồ dùng sinh hoạt như xe máy, ti vi, giường tủ, bàn ghế... Nhiều hộ thu nhập đến hàng trăm triệu đồng/năm như hộ Rơ Mal Brao (xã Ia Dưk, huyện Đức Cơ), Rơ Ma KLum (xã Ia Dom)...
Hơn ai hết, bà con các dân tộc trên mảnh đất thiêng liêng này đều hiểu rõ về giá trị của sức sống ngày hôm nay và luôn ra sức xây dựng và bảo vệ. Một câu nói ngắn gọn mà ý nghĩa của già làng Siu Lunh ở làng H'Râu (xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ) đáng trân trọng và ghi nhận: Chỉ có Đảng và Chính phủ mới mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng thôi. Ai không theo Đảng, chẳng khác gì con "ma lai" không thể sống chung với cộng đồng được.../.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường