Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chuyên gia kinh tế Phạm Thị Tước: Không quá bi quan về nông nghiệp
07 | 08 | 2007
Theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, mức thuế nhập khẩu bình quân đối với các mặt hàng nông sản sẽ chỉ còn 21%. Dưới đây là nhận định của bà Phạm Thị Tước - thành viên đoàn đàm phán Việt Nam về khả năng cạnh tranh của nông sản trong nước.
Hỏi: Để có thành quả như ngày hôm nay, bà và các đồng nghiệp đã thực hiện kỹ năng đàm phán, nhất là đàm phán trong lĩnh vực nông nghiệp như thế nào?

Trả lời: Chúng tôi đã liên hệ, so sánh giữa nền nông nghiệp của Việt Nam với nền nông nghiệp của các nước, các nền kinh tế gần gũi với ta để tìm ra một điểm thống nhất. Điểm chung đó, theo tôi đã bảo đảm hài hòa lợi ích của hai bên.

Hỏi: Với sự hài hòa lợi ích như vậy, chúng ta có phải lo ngại về khả năng nông nghiệp sẽ thất bại, đổ vỡ khi Việt Nam gia nhập WTO?

Trả lời: Để đánh giá một nền nông nghiệp gặp khó khăn, hay đổ vỡ, theo tôi có nhiều yếu tố, trong đó có mức độ cam kết. Có nhiều nước khi gia nhập rất vội vàng và không tính đến khả năng thực tế, nên các cam kết đưa ra khi áp dụng vào cuộc sống đã tác động rất lớn đến đời sống người dân. Cũng có nước gặp bất lợi nhưng không phải ở các cam kết mà vì trong nước không chuyển đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý.

Riêng với Việt Nam, dù có vấn đề này, vấn đề khác nhưng có thể nói chúng ta đã chuẩn bị khá tốt cho hội nhập ở cả hai yếu tố là đàm phán với những bước đi thận trọng, và nông nghiệp trong nước thời gian qua đã cải cách khá toàn diện, nên đạt được nhiều thành quả quan trọng. Từ đánh giá như vậy, tôi nghĩ sẽ không có sự đổ vỡ của ngành này như trường hợp một số nước đã gia nhập WTO gặp phải trước đó.

Hỏi: Thế nhưng, như bà biết hiện chất lượng hàng nông sản của ta rất kém, rồi giá thành sản phẩm cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Vậy khả năng thua thiệt là khá rõ ràng?

Trả lời: Nếu nói chất lượng của tất cả các mặt hàng nông sản thấp thì không phải, vì chúng ta đang sở hữu nhiều mặt hàng có khả năng cạnh tranh khá tốt, như lúa gạo, cao-su, cà-phê... Đương nhiên, chúng ta có một số khâu yếu, đó là chế biến, an toàn thực phẩm, độ đồng đều của sản phẩm chưa cao... Nhưng nên nhớ, nước nào cũng có những điểm yếu như vậy cả. Với những điểm yếu của ta, buộc phải tìm cách khắc phục mới hội nhập được. Chúng ta không nên quá sốt ruột hay quá bi quan về sự phát triển của ngành nông nghiệp bởi thời gian qua, tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu nông sản đạt 12-14%, có kém gì đâu so với nhiều ngành khác.

Hỏi: Tuy nhiên, nhìn vào các cam kết về nông nghiệp, chúng ta thấy có khá nhiều điểm bất lợi, như bỏ trợ cấp hỗ trợ xuất khẩu hàng nông sản, rồi hạ thấp thuế suất nhập khẩu?

Trả lời: Khi đàm phán, nông nghiệp là một vấn đề rất nhạy cảm, mất nhiều thời gian. Các cam kết mà chúng ta đạt được sau đàm phán, có thể chứa một số bất lợi, nhưng không phải quá lớn. Tôi rất đồng tình với ý kiến của ông Tổng Giám đốc WTO Pascal Lamy rằng, việc gia nhập tổ chức này thành công hay không chủ yếu là do nội lực và sự chuyển đổi của bản thân đất nước mình. Vì vậy, cá nhân tôi nghĩ những cam kết đó chỉ có thể gây ra những tác động ở một số ngành nhất định, nhưng mức độ không phải là quá cao.

Hỏi: Mức thuế nhập khẩu bình quân trong cam kết đối với các mặt hàng nông sản sẽ chỉ còn 21% so với trước khi chúng ta chưa vào WTO. Với mức thuế như vậy, theo bà chúng ta đã tạo ra sự công bằng giữa nông sản nhập khẩu và nông sản trong nước hay chưa?

Trả lời: Có một số mặt hàng sẽ có mức giảm khá lớn từ 40 - 50%, thậm chí có mặt hàng còn giảm tới 60% (nho, đào, lê, táo...). Thế nhưng, nếu tính bình quân mức giảm thuế từ 23 xuống 20% là không nhiều lắm. Với mức này, hầu hết hàng nông sản sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.

Hỏi: Vậy mặt hàng nào sẽ bị tác động nhiều nhất?

Trả lời: Tôi cho rằng, một số ngành như chăn nuôi bò sữa, thịt; rau quả ôn đới sẽ bị tác động lớn nhất. Trong số này, tôi lo nhất là sản phẩm chăn nuôi, bởi 98% dòng sản phẩm này phục vụ nhu cầu trong nước, khả năng cạnh tranh kém.

Nhưng rất may, khi đàm phán chúng ta đã giữ được mức thuế nhập khẩu như cũ, mặt khác, nói là mở cửa thị trường nhưng tốc độ mở cửa sẽ diễn ra dần dần, những cam kết được thực hiện theo lộ trình năm, mỗi năm thực hiện một ít nên không có gì đáng sợ lắm. Quan trọng nhất hiện nay vẫn là việc chúng ta chuyển đổi chính sách trong nước như thế nào để chuyển hóa từ bảo hộ sang việc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Đây là cái phải làm trong thời gian tới.

Hỏi: Chúng ta hay nói về tác động của mặt hàng này, lĩnh vực khác khi gia nhập WTO, vậy còn những người nông dân thì sao?

Trả lời: Tôi nghĩ khi đã là thành viên của WTO, ngoài cơ hội, chúng ta sẽ phải gặp những tác động bất lợi. Tác động ở đây là đa chiều. Không có ngành nào bị tác động một cách khủng khiếp để rồi biến mất, nhưng chắc chắn có những doanh nghiệp, hoặc một bộ phận nông dân sẽ bị tác động, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải hứng chịu thất bại, phá sản. Tuy nhiên, bên cạnh đó sẽ có một bộ phận doanh nghiệp và một bộ phận nông dân là các chủ trang trại các hộ sản xuất hàng hóa lớn sẽ cơ hội vươn lên, phát triển mạnh. Nếu chúng ta điều tiết thật khéo, có thể sẽ cân bằng được hai mâu thuẫn nói trên.

Hỏi: Theo bà, công việc cấp bách nhất để bắt đầu cho thời kỳ hậu WTO đối với ngành nông nghiệp là gì?

Trả lời: Hiện ngành nông nghiệp đã xây dựng xong chiến lược phát triển không chỉ cho quá trình gia nhập WTO mà còn cho mở cửa và hội nhập nói chung. Trong chiến lược phát triển ngành này, vấn đề quan trọng nhất và ưu tiên số 1 là phải hướng mạnh ra xuất khẩu. Hiện kim ngạch xuất khẩu của ngành này chiếm đến 40% giá trị sản lượng của toàn ngành nông nghiệp.

Trong thời gian tới, yêu cầu là phải tăng hơn nữa giá trị kim ngạch xuất khẩu và muốn được như vậy buộc phải có thị trường. Việc Việt Nam gia nhập WTO chính là cơ hội để tiếp cận thị trường rộng lớn đó; là môi trường tốt cho mọi thành phần kinh tế đặc biệt cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Vấn đề là chúng ta nắm lấy những cơ hội đó như thế nào mà thôi.

Hỏi: Nếu tiếp cận được những cơ hội đó, sau 5 năm tới, bà dự đoán như thế nào về tốc độ tăng trưởng đối với một số mặt hàng được coi là chủ lực hiện nay như gạo, cao su, cà-phê, đồ gỗ...?

Trả lời: Với những mặt hàng đó, trong cam kết với WTO không có gì lớn cả, nên trước hay sau gia nhập vẫn sẽ như vậy. Thế nên, dự đoán còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố thị trường thế giới. Cá nhân tôi nghĩ yếu tố này hiện rất tốt. Như đối với mặt hàng gạo, trong thời gian tới thị trường và nhu cầu thế giới còn tăng lên, khả năng đóng góp giá trị cho ngành nông nghiệp là điều không phải bàn cãi.

Xin cảm ơn bà!


(Theo Nông thôn Ngày nay)
Báo cáo phân tích thị trường