Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Việt Nam khai thác vị thế thành viên WTO và Qui chế PNTR trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ như thế nào?
26 | 09 | 2007
Bằng cách mua cổ phần chiến lược của các công ty đang họat động ở Việt Nam các công ty Hoa Kỳ có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều mục tiêu như: thâm nhập nhanh vào thị trường, khống chế đối thủ canh tranh, tận dụng được mạng lưới phân phối và khách hàng, và đội ngũ lao động quen việc sẵn có…
Ngay sau lễ kết nạp Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại lớn nhất thế giới- WTO, tại Geneva (Thuỵ Sỹ) hôm 7/11 vừa qua, ông Nguyễn Duy Khiên , Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có bài viết gửi về dành riêng cho Báo Thương Mại, với những đánh giá và nhận định hết sức sâu sắc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn bộ bài viết với bạn đọc.

Thu hút đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam

Hoa Kỳ là nước đầu tư trực tiếp ra nước ngoài lớn nhất thế giới. Năm 2004, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Hoa Kỳ đạt 252 tỉ USD. Tại Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ sẽ đặc biệt quan tâm đến các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, logistics (vận tải, giao nhận…), phân phối, xuất nhập khẩu, bán lẻ, năng lượng, bất động sản, sản xuất linh kiện điện tử và lắp ráp máy tính, gia công cơ khí, dịch vụ phục vụ kinh doanh, giải trí, giáo dục, và y tế.

Bên cạnh việc đầu tư thành lập doanh nghiệp mới các công ty Hoa Kỳ sẽ rất quan tâm đến việc mua lại một phần các công ty đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả các công ty có vốn đầu tư nước ngoài) và tham gia vào quản lý các công ty này. Ví dụ, Quỹ TPG và Qũy Intel gần đây đã mua 10% cổ phần của FPT trị giá 36,5 triệu USD. Một số công ty Hoa Kỳ khác đang tìm kiếm khả năng mua cổ phần chiến lược của một số công ty Việt Nam. Ví dụ, một ngân hàng lớn của Hoa Kỳ đang có kế hoạch mua cổ phần của một ngân hàng lớn của Việt Nam hay một hãng bia lớn của Hoa Kỳ đang thăm dò mua cổ phần của một công ty bia lớn của Việt Nam… Bằng cách mua cổ phần chiến lược của các công ty đang hoạtđộng ở Việt Nam các công ty Hoa Kỳ có thể cùng một lúc thực hiện được nhiều mục tiêu như: thâm nhập nhanh vào thị trường, khống chế đối thủ canh tranh, tận dụng được mạng lưới phân phối và khách hàng, và đội ngũ lao động quen việc sẵn có…

Các công ty tài chính và quĩ đầu tư của Hoa Kỳ với biệt tài kinh doanh tài chính có khả năng huy động vốn đầu tư không những từ Hoa Kỳ mà còn từ các nước khác để đầu tư vào Việt Nam. Đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng sử dụng nhiều lao động và công nghệ thấp (dệt may, giày dép, đồ gỗ, chế biến thực phẩm…) sẽ không nhiều, song các công Hoa Kỳ có thể dùng ảnh hưởng lôi kéo các nhà cung cấp của họ trong các lĩnh vực này đầu tư vào Việt Nam để sản xuất và cung cấp hàng cho họ xuất khẩu sang Hoa Kỳ và đi các nước khác. Ví dụ Nike đã lôi kéo các nhà sản xuất giày dép Đài Loan vào đầu tư ở Việt Nam. Gần đây, JC Peny đã lôi kéo nhà sản xuất của họ đầu tư vào Thái Bình sản xuất hàng may mặc.

Chúng ta đang lo lắng nhiều cho các ngành dịch vụ trong nước nhất là cạnh tranh từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tuy nhiên, chính sự cạnh tranh này cũng là cơ hội tạo sức ép và động lực để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên và cơ hội cho các ngành và doanh nghiệp khác phát triển. Lịch sử cho thấy người Việt Nam thường vươn lên trong khó khăn.

Mở cửa viễn thông là thách thức với các doanh nghiệp viễn thông nhưng dịch vụ sẽ tăng cả về lượng và chất, và cước sẽ giảm. Cước giảm làm giảm chi phí kinh doanh. Chất lượng dịch vụ tăng làm tăng năng suất lao động hoặc là điều kiện cần để một số ngành khác phát triển.

Mở cửa ngân hàng và bảo hiểm là thách thức đối với các ngân hàng và công ty bảo hiểm Việt Nam song sẽ mở rộng kênh huy động vốn cho phát triển vì chắc chắn các ngân hàng phải tìm cách huy động và cho vay vốn, và các công ty bảo hiểm sẽ phải đầu tư tiền thu được từ phí bảo hiểm vào đâu đó tại Việt Nam để sinh lời.

Các công ty nước ngoài kinh doanh phân phối và xuất nhập khẩu ở Việt Nam sẽ là sự đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp phân phối và XNK Việt Nam song nó rất có thể sẽ là nguồn cung cấp đầu vào và đầu ra tốt hơn cho sản xuất. Ví dụ công ty nước ngoài có thể lập công ty và kho bãi nhập khẩu gỗ, nguyên phụ liệu dệt may, nguyên phụ liệu giày dép vào Việt Nam để cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ, các nhà máy may, các nhà máy giày dép kịp thời hơn và cạnh tranh hơn là nhập lẻ từ nước ngoài. Các công ty nước ngoài được phép trực tiếp xuất khẩu hàng Việt Nam chắc chắn sẽ tạo thêm đầu ra cho các sản phẩm của ta. Dịch vụ logistics do các công ty nước ngoài cung cấp nếu thuận tiện hơn và rẻ hơn cũng sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và làm tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Hoa Kỳ sẽ là thị trường quan trọng của Việt Nam

Sau khi Trung Quốc gia nhập WTO xuất khẩu của nước này sang Hoa Kỳ đã tăng vọt. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ năm 2001 chỉ tăng 2% nhưng sau khi vào WTO cuối năm 2001 kim ngạch các năm 2002, 2003, 2004 và 2005 đã tăng lần lượt là 22,5%, 21,7%, 28,7% và 24%, và đạt 242,6 tỉ USD năm 2005. Đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất lớn trong tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, nhất là hàng điện tử. Năm 2005, Trung Quốc xuất sang Hoa Kỳ 86,7 tỉ USD hàng điện tử, trong đó khoảng 2/3 là sản phẩm của các công ty quốc tế đầu tư tại Trung Quốc (nguồn USITC).

Sau khi Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực tháng 12 năm 2001, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đã tăng vọt. Năm 2002 và 2003 tăng lần lượt là 127,5% và 90%, chủ yếu là do tác dụng giảm thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ. Năm 2004, 2005 và 8 tháng 2006 tốc độ tăng đã chậm lại lần lượt là 15,8%, 25,5% và 33,2% (năm 2006 tăng cao một phần là do giá dầu tăng cao).

Sau khi gia nhập WTO và có quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn với Hoa Kỳ, tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu (không kể dầu mỏ) của Việt Nam sang Hoa Kỳ bình quân trong 5 năm tới có thể cao hơn so với mức bình quân từ năm 2004 trở lại đây nhưng không có sự nhẩy vọt như sau BTA. Khác với BTA, yếu tố tăng trưởng lần này không phải do giảm thuế nhập khẩu vào Hoa Kỳ (mức thuế nhập khẩu hàng Việt Nam vào Hoa Kỳ không có gì khác so với trước khi Việt Nam gia nhập WTO) mà chủ yếu sẽ do bỏ hạn ngạch dệt may (yếu tố chính trong một vài năm đầu) và tăng nguồn cung hàng xuất khẩu từ Việt Nam (yếu tố chính trong các năm tiếp theo và chủ yếu nhờ đầu tư nước ngoài).

Riêng đối với dệt may, tuy được bỏ hạn ngạch song có thể sẽ không có sự tăng vọt vì nguy cơ bị kiện bán phá giá. Để đối phó với nguy cơ bị điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với hàng dệt may, Bộ Thương mại cần nghiên cứu và sớm đưa ra các biện pháp hữu hiệu ngăn chặn chuyển tải hàng dệt may từ nước ngoài qua Việt Nam vào Hoa Kỳ (trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ) để tránh tăng vọt về số lượng; đồng thời, có biện pháp phù hợp với qui định của WTO hạn chế xuất các mặt hàng trị giá thấp để tránh giảm giá xuống mức giá “Trigger Price” dẫn đến tự khởi điều tra bán phá giá.

Trong vài ba năm tới cơ cấu xuất khẩu của ta sang Hoa Kỳ có thể chưa có thay đổi lớn. Các nhóm hàng chủ yếu vẫn là dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, dầu mỏ, cà phê, điều. Sau đó, với đầu tư của nước ngoài tăng lên, kim ngạch các mặt hàng mới như điện tử, điện gia dụng, gia công cơ khí, thực phẩm chế biến sẽ tăng dần, trong đó điện tử có thể sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chính sang Hoa Kỳ. Ngoài ra, Việt Nam có thể là nơi một số công ty Hoa Kỳ đặt gia công phần mềm.

Hiện nay, ta đang nói nhiều đến xây dựng thương hiệu hàng xuất khẩu. Chúng tôi cho rằng biện pháp này có thể vẫn là duy y chí ít nhất tại thị trường Hoa Kỳ trong vòng ít nhất 5 -10 năm tới. Lý do chính bao gồm:

Thứ nhất: Hầu hết các doanh nghiệp của ta chưa có khả năng nghiên cứu và phát triển sản phẩm có quyền sở hữu trí tuệ riêng của mình phù hợp với thị trường tiêu thụ. Qui mô sản xuất nhỏ. Chất lượng sản phẩm chưa ổn định. Ví dụ, đối với thủy sản nếu chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề dư lượng kháng sinh bị cấm hoặc quá mức cho phép thì chưa thể nói đến vấn đề xây dựng thương hiệu. Nếu đầu tư xây dựng thương hiệu sau đó hàng bị phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm bị công bố ra công chúng hoặc bị cấm nhập thì việc xây dựng thương hiệu sẽ như dã tràng xây cát biển đông.

Thứ hai: Để có thể “nhồi” được thương hiệu vào đầu người tiêu dùng không thể không tiến hành các chiến dịch quảng cáo liên tục dài hạn trên diện rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng (nói một lần không tin, nói nhiều lần sẽ tin). Chi phí quảng cáo ở Hoa Kỳ rất đắt. Quảng cáo mầu khổ A4 đăng trên Báo Wall Street Journal giá khoảng 33.000 – 35.000 USD/số. Điều kiện tài chính khó khăn hiện nay chưa cho phép các công ty Việt Nam làm việc này.

Trong điều kiện đó, hướng đi phù hợp nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong vòng 5 tới để tăng kim ngạch xuất khẩu nói chung và sang Hoa Kỳ nói riêng là tổ chức lại sản xuất để có thể cạnh tranh trở thành các nhà sản xuất theo hợp đồng cho các công ty nước ngoài trong đó có các công ty Hoa Kỳ. Hầu hết các doanh nghiệp Trung Quốc hiện đang phát triển theo hướng này. Năm 2005, Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ gần 250 tỉ USD, nhưng hầu như không có hàng hóa mang thương hiệu Trung Quốc.

Hiện nay, trên thế giới và Hoa Kỳ có rất nhiều công ty bán buôn, bán lẻ, phân phối, hoặc kinh doanh thương mại chuyên bán các sản phẩm do các công ty khác sản xuất (tiếng Anh gọi chung là Original Equipment Manufacturer - OEM). Tuy được gọi là Original Equipment Manufacturer song các công ty này thực tế không sản xuất mà chỉ bán hàng đến người tiêu dùng. Những hàng hóa họ tiêu thụ có thể do chính họ thiết kế sau đó đặt sản xuất hoặc do chính các nhà sản xuất thiết kế. Trong hầu hết các trường hợp OEM không thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm mà chỉ gắn thương hiệu của họ trên sản phẩm. Việc gắn thương hiệu của OEM trên sản phẩm có thể do nhà sản xuất tiến hành hoặc do bản thân OEM tiến hành. Ví dụ, giày thể thao Wilson chắc chắn không phải do Công ty Wilson sản xuất mà chỉ mang thương hiệu Wilson mà thôi. Hồi tháng 10 vừa qua, tôi có dịp dự và phát biểu về môi trường kinh doanh tại Việt Nam tại một hội nghị các CEO kinh doanh hàng thể thao ở Thành phố Jackson Hole, Bang Wyoming. Tại đó tôi có gặp khoảng 10 CEO kinh doanh giày dép. Trong số đó chỉ có một CEO sản xuất giày có nhà máy ở Trung Quốc còn lại tất cả là CEO của OEM. Trong thời gian qua, bản thân Thương vụ cũng nhận được khá nhiều hỏi hàng của các OEM. Các OEM này có mẫu thiết kế sản phẩm đang cần tìm nhà sản xuất ổn định và cạnh tranh.

Trong một số ít trường hợp, các OEM có thêm trị giá gia tăng vào sản phẩm. Ví dụ, OEM có thể mua máy tính của một nhà sản xuất nào đó sau đó kết hợp với phần cứng hoặc phần mềm của chính họ rồi bán theo hình thức hệ thống chìa khóa trao tay.

Để tiết kiệm chi phí sản xuất, bản thân các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ Hoa Kỳ cũng đặt gia công hàng hóa và dịch vụ ở nước ngoài thay vì cho sản xuất tại cơ sở của mình ở trong nước. Hình thức kinh doanh này (tiếng Anh gọi là outsoursing) đang rất phát triển ở Hoa Kỳ. Ví dụ, một công ty sản xuất đồ gỗ Hoa Kỳ có thể đặt gia công linh kiện gỗ ở Việt Nam mang về lắp ráp thành tủ rượu và bán tại Hoa Kỳ (họ không đặt thành phẩm vì tủ rượu cồng kềnh chi phí vận tải cao). Để góp phần đạt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất đến năm 2010 mỗi năm 6 tỉ USD, mới đây, Công ty ô tô Ford của Hoa Kỳ đã đưa ra kế hoạch tăng gấp đôi trị giá linh kiện ô tô mua từ Trung Quốc, mỗi năm khoảng 2,5-3 tỉ USD. Vì thế, hiện nay, nhiều hàng hóa ở Hoa Kỳ có ghi dòng chữ “Assembled in USA” (lắp ráp tại Mỹ) thay cho “Made in USA” (sản xuất tại Mỹ). Nhiều công ty Hoa Kỳ hiện nay vừa là nhà sản xuất vừa là OEM và có những công ty đã bỏ hẳn sản xuất chuyển thành OEM. Ví dụ, Công ty Nike vốn dĩ là nhà sản xuất nhưng hiện nay hoạt động chủ yếu như một OEM.

Để đáp ứng nhu cầu của các OEM và các nhà sản xuất có nhu cầu outsouring như vừa nói, trên thế giới hiện nay không thiếu các công ty chuyên sản xuất hàng theo hợp đồng cho các công ty khác (Contract Manufacturer), trong đó có những công ty lớn với doanh số hàng năm tới hàng tỷ USD. Ví dụ Công ty Flextronics International của Singapore có nhà máy trên khắp thế giới với doanh số 15 tỉ USD (2004) chuyên sản xuất máy chơi game Xbox cho Microsoft, điện thoại di động cho Ericsson, thiết bị chỉ đường cho Cisco, máy in cho HP…

Như Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng đã nói trong bài viết “WTO cơ hội, thách thức và hành động của chúng ta” là “Cái chúng ta lựa chọn và quyết định là cái tốt nhất có thể chứ chưa phải là cái mà chúng ta mong muốn”. Sự lựa chọn thích hợp nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong khi chưa có điều kiện để xây dựng thương hiệu riêng của mình như đã phân tích ở trên là “chịu” trở thành nhà sản xuất chiến lược cho các OEM và các công ty có nhu cầu outsourcing. Bước tiếp theo là tự thiết kế và sản xuất sản phẩm chào bán cho các OEM. Khi sản xuất đã ổn định với qui mô đủ lớn và có tích luỹ tài chính, lúc đó có thể tính đến việc xây dựng thương hiệu riêng. Cũng giống như những đứa trẻ, chúng phải trải qua các bước tập lẫy, tập ngồi, tập đứng rồi mới tập đi. Nhìn chung, các nhà sản xuất thường bắt đầu xây dựng thương hiệu trên thị trường trong nước trước khi tiến ra nước ngoài.

Do vậy, công tác xúc tiến xuất khẩu của ta ở nước ngoài nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng cả ở tầm quốc gia và tầm doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay nên tập trung vào quảng bá khả năng sản xuất ổn định và cạnh tranh, nhất là đối với các sản phẩm cần nhiều sức lao động khéo tay. Các doanh nghiệp thay vì cho đầu tư vào xây dựng thương hiệu nên đầu tư vào mở rộng và tổ chức lại sản xuất để nâng cao và ổn định chất lượng hàng hóa và giảm giá thành để trở thành nhà sản xuất chiến lược của các công ty OEM và nhà sản xuất nước ngoài và Hoa Kỳ. Cũng vì lý do này, sắp tới khi ta phải bỏ các trợ cấp liên quan đến xuất khẩu theo cam kết với WTO ta có thể nghiên cứu áp dụng trợ cấp nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất nói chung cho các doanh nghiệp nội địa



(Theo Bao thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường