Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu cung sẽ đẩy giá đường thế giới tăng trong vụ 2008/09
19 | 11 | 2008
Khủng hoảng tài chính thế giới đẩy thị trường hàng hóa vào giai đoạn biến động bất thường. Giá đường theo các hàng hóa khác trượt dài trong nhiều ngày liền, xuống gần mức 12 US cent/lb tại New York vào ngày 7/10/2008. Tuy nhiên, các chuyên gia ngành đường dự báo tình trạng này sẽ không kéo dài, bởi thị trường đường thế giới đang chuyển nhanh từ dư cung sang thiếu hụt.
Tình trạng giá đường thấp mấy tháng gần đây khiến người trồng mía cắt giảm diện tích đất cho loại cây này để trồng những cây cho lợi nhuận cao hơn. Nhiều công ty đường cũng lâm vào tình trạng thua lỗ, khiến cho các dự án mở rộng sản xuất phải ngưng lại. Trong khi đó, sự thay đổi chính sách đối với ngành đường ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ khiến cho sản lượng đường củ cải ở khối này giảm từ 17,41 triệu tấn niên vụ 2007/08 xuống chỉ 14,11 triệu tấn trong niên vụ này. Tất cả những yếu tố đó sẽ kích thích giá đường thế giới hồi phục dần lên mức khoảng 14-17 US cent/lb (1 lb = 0,454 kg) vào cuối năm nay. Một số nhà phân tích còn lạc quan hơn nữa khi cho rằng giá có thể lên tới 19 US cent/lb.

Theo các hãng phân tích hàng đầu thế giới là F.O. Licht và Kingsman, mặc dù đang khủng hoảng tài chính trên toàn cầu, tiêu thụ đường thế giới sẽ tiếp tục tăng vững, ở mức khoảng 2,5% mỗi năm. Vậy mà sản lượng đường thế giới niên vụ 2008/09 sẽ chỉ đạt 160,9 triệu tấn, giảm gần 10 triệu tấn so với mức 169,6 triệu tấn niên vụ trước, dẫn đến thiếu hụt cung/cầu trong niên vụ này, sau khi dư thừa hơn 10 triệu tấn mỗi vụ liền trong 2 năm trước. Kingsman vừa điều chỉnh tăng mức dự báo về thiếu cung đường toàn cầu trong niên vụ 2008/09 lên 4,7 triệu tấn, so với 3,8 triệu tấn dự báo trước đây, sau khi nhận định bão lớn mới đây gây thiệt hại không nhỏ tới các cánh đồng mía ở Cuba, bang Louisiana và Texas của Mỹ. Cuba có thể bị thiệt hại khoảng 0,3 triệu tấn đường trong vụ mùa tới, và Mỹ cũng sẽ mất một khoản tương tự như vậy.

Tại Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu đường lớn nhất thế giới, giá đường và ethanol thấp gần đây trong khi chi phí đầu vào gia tăng đã làm lợi nhuận của các nhà máy đường sụt giảm. Khủng hoản tài chính toàn cầu càng gây khó khăn cho những nhà máy đường Brazil trong quá trình tìm kiếm các khoản tín dụng. Do đó, Brazil sẽ không thể tăng mạnh công suất ép mía. Bên cạnh đó, đồng nội tệ tăng giá càng làm tình hình tài chính của các công ty trở nên tồi tệ hơn. Giá dầu thô cao cũng khiến cho lượng mía dùng cho sản xuất ethanol tăng lên nhưng cho sản xuất đường lại giảm đi. Tất cả những điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng xấu tới sản lượng đường vào năm tới, nhưng sẽ có lợi cho giá mặt hàng này. Xuất khẩu đường của Brazil niên vụ 2008/09 sẽ đạt khoảng 18,8 triệu tấn, giảm so với 19 triệu tấn niên vụ 2007/08. Brazil đã xuất khẩu khoảng 13,3 triệu tấn đường trong giai đoạn tháng 1-9 năm nay, giảm 7% so với 14,4 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Kingsman cho biết thêm con số thiếu hụt 4,7 triệu tấn có thể sẽ được điều chỉnh tăng lên nữa nếu sản lượng của Ấn Độ - nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới - niên vụ 2008/09 được điều chỉnh giảm xuống. Sản lượng đường mía Ấn Độ niên vụ 2008/09 sẽ giảm mạnh xuống 23,86 triệu tấn, so với 28,59 triệu tấn niên vụ trước, chủ yếu do giá đường thấp đúng vào vụ gieo trồng khiến nông dân chuyển sang trồng những loại cây khác. Trong trường hợp đó, thế giới sẽ thiếu khoảng 3-4 triệu tấn đường. Còn nếu sản lượng đường Ấn Độ chỉ đạt 20 triệu tấn thì mức thiếu hụt đường trên thị trường thế giới sẽ lên tới khoảng 6-7 triệu tấn. Thực tế là Ấn Độ đang chuyển dần từ nước xuất khẩu đưồng lớn sang nước nhập khẩu mặt hàng này, khi mà giá đường tại Ấn Độ cao hơn rất nhiều so với giá thế giới.

Thiếu cung trên thị trường đường thế giới niên vụ 2008/09 gần như là chắc chắn. Tuy nhiên, vì hai niên vụ vừa qua thế giới còn dư thừa nhiều đường nên phải mất sau vài tháng trường đường thế giới mới chịu ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt cung/cầu niên vụ 2008/09.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường