Công nghiệp chế biến hạt điều là sự kết hợp giữa thủ công và cơ giới, trong đó hai công đoạn quan trọng là cắt tách vỏ hạt và bóc vỏ lụa nhân được làm thủ công. Đầu tư cho một xưởng bóc tách không đòi hỏi nguồn vốn lớn, chỉ hơn một trăm triệu đồng, nên dễ thu hút nhiều người bỏ vốn kinh doanh.
Điều đó lý giải vì sao, tuy ít nhận được sự trợ giúp từ phía Nhà nước, nhưng công nghiệp chế biến hạt điều phát triển rất nhanh. Năm 2005, công suất chế biến toàn ngành đã đạt 250% mức kế hoạch, trong khi sản lượng nguyên liệu chỉ đạt 160%. Bên cạnh đó, năm 2004 có thể coi là năm hoàng kim của ngành chế biến hạt điều, bởi giá thế giới tăng rất cao, đến 5,73 USD/kg cho loại nhân ww 320 so với hơn 4 USD trước đó. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi lớn. Vừa vui kết quả đạt được, vừa lo thiếu nguyên liệu để sản xuất, các doanh nghiệp đã tranh mua nguyên liệu bất chấp khuyến cáo của Hiệp hội cây điều Việt Nam, đẩy giá lên rất cao, đến 18.000 đồng/kg, tăng hơn 30% so với trước. Nhưng tới thời điểm bán sản phẩm, giá điều trên thế giới cứ giảm dần, các nhà chế biến không thể bán lỗ, nên phải neo hàng lại. Tới kỳ trả nợ ngân hàng, trả lương công nhân... buộc phải bán sản phẩm, các doanh nghiệp còn bị ép giá, càng bị lỗ nặng hơn.
Trưởng ban xúc tiến thương mại (Hiệp hội cây điều Việt Nam) Vũ Thái Sơn cho rằng, hiện tượng tranh mua nguyên liệu xảy ra có nguyên nhân do thuế suất nhập khẩu hạt điều thô quá cao. Với thuế suất 30% như hiện nay không một doanh nghiệp thương mại nào dám nhập khẩu hạt điều để cung cấp cho các đơn vị chế biến. Trong khi đó các đơn vị chế biến tuy được ghi nợ thuế 275 ngày, khi xuất khẩu được hoàn thuế, nhưng thủ tục rất nhiêu khê, mất thời gian, hơn nữa, bản thân doanh nghiệp rất ngại ra nước ngoài tìm mua nguyên liệu, bởi chi phí lớn. Do đó, vô hình, thuế quan trở thành cánh cửa ngăn dòng điều thô giá rẻ "chảy về". Đó là chưa kể, các doanh nghiệp phải trả lãi vay ngân hàng để mua trữ nguyên liệu và đầu tư kho chứa nguyên liệu.
Giám đốc Nguyễn Thị Mỹ Lệ (DNTN Mỹ Lệ) ở tỉnh Bình Phước lại cho rằng, sự cạnh tranh về lao động giữa các doanh nghiệp trong ngành điều cũng như giữa ngành điều với các ngành công nghiệp khác cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp chế biến điều khó khăn hơn. Giải bài toán này, kinh nghiệm của Công ty chế biến XNK nông sản thực phẩm Đồng Nai là mở những xưởng vệ tinh tại vùng nguyên liệu, hoặc phát triển những mô hình gia công chế biến nhỏ lẻ tại khu dân cư, nhằm tận dụng lao động phụ, lao động nông nhàn.
Theo Tổng giám đốc Công ty Donafood (Đồng Nai) Nguyễn Thái Học, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm điều bằng cách đầu tư thiết bị chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm hạt điều; nâng cao giá trị sử dụng gỗ điều, trái điều; các sản phẩm sau dầu điều như bột ma sát, sơn véc-ni cao cấp cho cách điện, cách nhiệt, phục vụ công nghiệp điện, ô-tô, dầu khí, đóng tàu... Trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đầu tư phát triển vùng nguyên liệu năng suất chất lượng cao trên phạm vi cả nước.
(Nguon tin: Vinanet)