Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm hiểu thị trường cao su Nhật Bản
18 | 12 | 2008
Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cao su tự nhiên lớn thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và EU) với các chủng loại được tiêu thụ chủ yếu là RSS 3 và TSR 20. đây là một thị trường tiềm năng và có ảnh hưởng rất lớn tới thị trường cao su thế giới.

Đặc điểm thị trường cao su Nhật Bản:

Nhật Bản nhập khẩu các loại cao su tự nhiên chủ yếu từ các cao su tiểu điền sản xuất từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Việc nhập khẩu cao su tự nhiên để sản xuất lốp xe ôtô phụ thuộc rất nhiều vào kế hoạch sản xuất và tiêu thụ xe ôtô của Nhật Bản. Theo thống kê của Hải quan Nhật Bản, 10 tháng năm 2008 số lượng ôtô tiêu thụ tại Nhật Bản chỉ đạt 4,4 triệu chiếc, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đối với Mỹ, số lượng ôtô tiêu thụ cũng chỉ đạt 11,8 triệu chiếc, giảm 4,7%. Đối với EU, chỉ đạt 12,1 triệu chiếc, giảm 3,1%. Ngoài ra, giá mặt hàng cao su cũng bị tác động và giảm theo cùng với sự giảm giá của mặt hàng dầu thô (hiện ngày 11/12/2008 chỉ còn 43 USD/thùng).

Dự trữ cao su thô ở Nhật Bản tính tới ngày 20/11/2008 đã lên tới 7.300 tấn, tăng 38% so với chỉ 10 ngày trước đó. Tuy nhiên, mức dự trữ đó vẫn thấp hơn khoảng 29% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu:

Nhật Bản nhập khẩu các loại cao su gồm: cao su tự nhiên và cao su tổng hợp để sản xuất lốp ôtô và các sản phẩm cao su phục vụ tiêu dùng và sử dụng trong các ngành công nghiệp khác như: đế giày, dép cao su, găng tay cao su, ống cao su…

Hàng năm, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD cao su tự nhiên để phục vụ cho ngành công nghiệp ôtô. Ngoài ra, Nhật Bản cũng nhập khẩu khoảng 550 triệu USD cao su tổng hợp và cao su hỗn hợp phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng cao su khác.

Thị phần cao su xuất khẩu của Việt nam tại Nhật Bản chỉ đạt khoảng 1,4% với kim ngạch khá khiêm tốn, khoảng 30 triệu USD/năm. VN chưa xuất khẩu nhiều chủng loại cao su sang Nhật Bản, chủ yếu là cao su khối SVR 3L. Trong khi đó, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu cao su ly tâm (RSS 3 và TSR 20) để sản xuất lốp ôtô thì VN lại xuất khẩu sang Nhật rất ít so với Thái Lan, Inđônêsia và Malaysia. Thị trường cao su Nhật Bản là tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Cơ cấu nhập khẩu cao su tại Nhật Bản như sau:

- Cao su xông khói RSS: Thái Lan chiếm 95%, Inđônêsia chiếm 2,7%, Malaysia chiếm 1,5% và Việt Nam chiếm 0,2%;

- Cao su TSNR: Inđônêsia chiếm 79%, Thái Lan chiếm 19%, Việt Nam chiếm 1,2% và Malaysia chiếm 0,6%;

- Cao su tự nhiên dạng khác: Thái Lan chiếm 77,2%, Inđônêsia chiếm 14,6%, Việt Nam chiếm 5% và Malaysia chiếm 0,8%.

Thuế suất nhập khẩu cao su của Nhật Bản và các quy định khác:
- Cao su xông khói RSS: Thuế nhập khẩu 0% + VAT 5%
- Cao su TSNR và cao su tự nhiên dạng khác: Thuế nhập khẩu 0% + VAT 5%
- Cao su tổng hợp và hỗn hợp khác: Thuế nhập khẩu 0% + VAT 5%

Những điểm cần lưu ý khi xuất khẩu cao su vào thị trường Nhật Bản:

- Thị trường cao su tại Nhật Bản có mức tiêu thụ cao và ổn định, nhưng người Nhật lại yêu cầu rất cao về chất lượng và thời gian giao hàng. Ngoài ra, các công ty xuất khẩu phải đảm bảo sản phẩm không gây hại đến môi trường.

- Tăng cường xúc tiến và quảng bá mặt hàng cao su tự nhiên và các sản phẩm cao su thông qua các hội chợ, triển lãm tại Nhật Bản, các tổ chức xúc tiến thương mại và Thương vụ để tìm kiếm khách hàng mới;

- Để làm ăn có uy tín và lâu dài với người Nhật, các công ty xuất khẩu cần phải có định hướng kinh doanh lâu dài, kiên trì trong bước đầu lập mối quan hệ, năng lực sản xuất và chất lượng ổn định và luôn giữ uy tín trong kinh doanh;

- Thông thường, người Nhật rất thận trọng với lô hàng đầu tiên, nên thường đặt hàng với số lượng không lớn lắm, nhưng sẽ tăng dần sau đó nếu doanh nghiệp của ta xuất khẩu có uy tín và đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu;

- Đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm cao su xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản, đặc biệt là các sản phẩm cao su đã qua chế biến như: săm lốp, găng tay, phao cứu sinh…để tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản;

- Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, cần mở rộng diện tích trồng cao su và khuyến khích phát triển cao su tiểu điền để phù hợp với chủng loại mà thị trường Nhật Bản yêu cầu;

- Tại Nhật Bản, đa phần giao dịch cao su đều thông qua Sở giao dịch hàng hóa TOCOM. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu nên tiếp cận với www.tocom.or.jp

Một số công ty nhập khẩu cao su Nhật Bản:
- Itochu Corporation: http://www.itochu.co.jp/main/index_e.html
- Astmax Co., Ltd: http://www.astmax.com/index_e.html
- Goldman Sachs Japan Co., Ltd: http://www2.goldmansachs.com/japan_english/index.html
- Kato Sansho Co., Ltd: http://www.katosansho.com/kato-history.htm
- Marubeni Corporation: http://www.marubeni.com/
- Meiji Bussan Co., Ltd: http://www.meijibussan.co.jp/
- Mitsui & Co., Ltd: http://www.mitsui.com/index.shtml
- Okato Investment Management Co., Ltd: http://www.okato.co.jp/OKATO/english/okato/okato.html#profile
- Toyota Tsusho Corporation: http://www.toyota-tsusho.com/english/index.cfm



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường