Theo đó, Bộ tiêu chí đưa ra chỉ tiêu chung cả nước và các chỉ tiêu cụ thể theo từng vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phù hợp với đặc điểm, điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể của mỗi vùng.
19 tiêu chí để xây dựng mô hình nông thôn mới bao gồm: quy hoạch và thực hiện quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, thu nhập bình quân đầu người/năm, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất, giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và an ninh, trật tự xã hội.
Mỗi tiêu chí đều được quy định mức chỉ tiêu cụ thể đối với từng xã để được công nhận đạt xã nông thôn mới. Cụ thể, về tiêu chí giao thông, 1 xã thuộc Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ phải đạt 100% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông vận tải.
Tiêu chí này đối với xã vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là 70% còn đối với xã vùng Trung du miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long chỉ là 50%.
Về hộ nghèo, xã vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ phải đạt tiêu chuẩn tỷ lệ hộ nghèo <3%, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ <5%, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long <7% và Trung du miền núi phía Bắc <10%.
Bộ tiêu chí cũng quy định, tất cả các xã nông thôn mới đều phải có hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh; có nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch; có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet đến thôn; có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả và không có nhà tạm, dột nát...
Để được công nhận là huyện nông thôn mới, phải có 75% số xã trong huyện đạt nông thôn mới. Nếu tỉnh có 80% số huyện nông thôn mới thì sẽ đạt tỉnh nông thôn mới