Được phong là "người nhiều ruộng nhất miền Bắc", ông Yết dự kiến sẽ quy tụ được cả đội ngũ kỹ sư nông nghiệp chỉ để làm một việc: trồng lúa. Cái công ty ấy sẽ làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm của nông dân miền bắc: không phải trồng lúa nhỏ lẻ mà là "sản xuất lúa" ở quy mô lớn.
"Cả đời tôi chỉ thích... gom ruộng"
Ông Yết hóm hỉnh nói một câu khái quát về đời mình như vậy. Cuối những năm 1989-1990 cùng với nghề dệt sợi tơ tằm ở Vạn Phúc được khôi phục, cũng là lúc hàng trăm hộ dân ở đây bắt đầu bỏ ruộng chuyển sang làm nghề.
Hợp tác xã (HTX) Vạn Phúc lúc bấy giờ cũng đành bất lực nhìn những thửa ruộng vốn màu mỡ biến thành những bãi cỏ hoang. "Mỗi lần đi thăm đồng, nhìn thấy những thửa ruộng bị bỏ hoang, tôi tiếc vô cùng" - ông Yết kể lại.
Ngay trong vụ chiêm xuân năm 1990, ông đã đến HTX Vạn Phúc xin được nhận thầu các khu ruộng bị bỏ hoang. "Nhã ý" của ông ngay lập tức được HTX đồng ý, ông được sản xuất lúa trên những thửa ruộng ấy mà chỉ cần trả tiền thủy lợi phí, không mất tiền thuê ruộng.
Sau khi cải tạo xong số ruộng mới nhận về trong vụ đầu tiên, đến các vụ tiếp theo, vụ nào ông cũng nhận thêm một vài mẫu. Tới năm 1994, ông đã sở hữu tới hơn 10 mẫu.
Ông Yết cho biết: "Hồi đầu không có máy móc nên tất cả các công việc từ cày, bừa, cấy, hái chúng tôi đều phải làm thủ công hết. Ruộng nhiều, làm không xuể, vụ nào tôi cũng phải thuê tới 30-40 người làm thêm. Do giá nhân công đắt, thóc thu về không đủ trả công, suốt 4-5 vụ đầu tiên tôi luôn bị thua lỗ, mỗi vụ 5-7 triệu đồng".
Thấy cách làm của mình không ổn, ông vào tận miền Nam để học hỏi cách làm ruộng ở đây và ông đã phát hiện ra, sở dĩ ông liên tục bị thua lỗ là do sử dụng quá nhiều lao động thủ công, chưa áp dụng máy móc vào đồng ruộng.
Ngay trong năm đó, ông đã làm một việc mà rất nhiều người dân trong làng cho là... điên, đó là bán miếng đất rộng gần 100m2 của mình với giá trên 60 triệu đồng để sắm 2 chiếc máy cày, 2 chiếc máy tuốt lúa, 3 máy bơm nước mini.
Có hệ thống máy móc hoàn chỉnh, số lượng nhân công cần thuê đã giảm từ 30-40 người xuống chỉ còn 8-10 người/vụ, thời vụ cũng được bảo đảm, do đó năng suất đã tăng lên rõ rệt.
Kể từ vụ chiêm xuân năm 1995, việc làm ruộng của ông bắt đầu cho lợi nhuận đáng kể. Tới năm 2004-2005 ông tiếp tục nhận thêm hơn 20 mẫu nữa và số ruộng mà ông sở hữu hiện đã lên đến 32 mẫu và được các nhà khoa học quản lý nông nghiệp đánh giá là người có nhiều ruộng nhất miền Bắc.
Ước mơ lập một công ty...
Với số ruộng khổng lồ trên, ông Yết đã tự lập cho mình một bài toán kinh tế rất đơn giản để tính lợi nhuận mà mình thu được như một doanh nhân thực thụ. Ông tính: trung bình một vụ, trả thủy lợi phí hết 21,5kg thóc, chi phí cho nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hết 90kg nữa, số còn lại sẽ là lợi nhuận thu được.
Ông Yết cho biết: "Thông thường, vụ chiêm xuân cho lãi nhiều hơn, vì với năng suất từ 200-210kg, mỗi vụ tôi cũng thu được 70-80 triệu đồng, còn vụ mùa do năng suất giảm chỉ còn 170-180kg, chi phí lại nhiều hơn, nên chỉ lãi chừng 20-30 triệu đồng".
Hiện tại, ông Yết vẫn tiếp tục nhận thêm ruộng và bày tỏ mong muốn thành lập một công ty trồng lúa với đội ngũ kỹ sư phục vụ cho việc vận hành, sửa chữa các loại máy móc, nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ giống, thuốc bảo vệ thực vật mới...
Bên cạnh đó là một "đội quân" thợ làm ruộng chuyên nghiệp, sẵn sàng tham gia làm ruộng thuê cho tất cả các địa phương xung quanh từ gieo mạ, cày bừa, đến cấy và thu hoạch lúa.
Theo ông Yết, sở dĩ bà con nông dân ở miền bắc cấy lúa đa số bị thua lỗ là vì ngoài việc không hạch toán được giá trị kinh tế, bà con còn chưa biết ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên tốn rất nhiều công lao động.
Cũng chính vì lẽ đó mà trong nhiều năm gần đây nông dân ngày càng tỏ ra thờ ơ với việc trồng lúa. Nhất là ở các khu vực gần đô thị đang có xu hướng bỏ ruộng hàng loạt. Chưa biết dự định thành lập công ty làm ruộng của ông có thành hiện thực không, nhưng bằng cách làm của riêng mình ông Yết đã mở ra một cách làm ruộng nhiều triển vọng cho ngành trồng lúa ở đây.
Các cánh đồng của ông Yết còn là "điểm đến" của các nhà khoa học mỗi khi có các cuộc trình diễn một công nghệ máy móc, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... mới. Gần đây nhất, ông đã được Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch chọn để thử nghiệm chiếc máy cấy 8 hàng lần đầu tiên xuất hiện ở miền Bắc. Với kinh nghiệm làm ruộng của mình, trung bình mỗi năm ông được các doanh nghiệp, viện nghiên cứu mời đi "công cán" tới hàng chục lần ở khắp các tỉnh trong cả nước để hướng dẫn mô hình vận hành các loại máy móc mới cho bà con nông dân. |