Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gà lậu lại tràn qua biên giới
06 | 05 | 2009
Nhập lậu gà thải loại từ Trung Quốc siêu lợi nhuận nên các đầu nậu tìm nhiều cách để tuồn loại gà này vào sâu nội địa. Dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát nếu không ngăn chặn hiệu quả
 

Liên tiếp trong tháng 4-2009, lực lượng chức năng ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang... đã bắt được hàng chục tấn gia cầm nhập lậu từ biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh... luồn sâu vào nội địa. Tình hình buôn lậu gia cầm Trung Quốc qua biên giới đang diễn biến rất phức tạp.

Gà lậu là gà già thải loại

Cuối tháng 4-2009, Đội Chống buôn lậu - Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an TP Hà Nội phối hợp cùng Đội QLTT số 1 Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ gần 9 tấn gà nhập lậu trên địa bàn. Nguồn gốc của số lượng lớn gia cầm nhập lậu trên là qua đường Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Nội.

Phương thức buôn bán, vận chuyển gia cầm là do các đầu nậu ở các địa phương nằm sâu nội địa như TP Hà Đông, Hải Dương, Bắc Giang lên gom hàng tại biên giới rồi thuê xe tải vận chuyển. Trung bình mỗi xe tải chở từ 2-3 tấn gà lậu, chủ yếu là gà già thải loại từ các trang trại bên kia biên giới.

Ông Nguyễn Công San, Đội trưởng Đội QLTT số 1 Hà Nội, cho hay: Để bắt một vụ vận chuyển số lượng gia cầm lớn, lực lượng chức năng đã phải “cắm” trinh sát theo dõi đường dây vận chuyển gia cầm từ biên giới Quảng Ninh về các chợ đầu mối ở Hà Nội tiêu thụ trong suốt thời gian dài và mất nhiều công sức.

Theo ông San, do lợi nhuận buôn lậu gia cầm rất lớn nên các đầu nậu rất cẩn trọng khi đánh hàng bởi bị bắt là mất trắng hàng, có khi bị tịch thu cả phương tiện vận chuyển.

Không chỉ Hà Nội, địa bàn Hải Phòng cũng “nóng” lên với lượng gia cầm nhập lậu trong vài tháng gần đây. Mới đây, Chi cục QLTT Hải Phòng phối hợp cùng lực lượng thú y huyện An Dương đã bắt giữ tại địa bàn xã An Hưng (An Dương) một xe vận chuyển gần cả tấn gà thải loại nhập từ Trung Quốc.

Do nằm kế cận địa bàn biên giới Lạng Sơn, là con đường huyết mạch nối Lạng Sơn với các tỉnh phía Bắc và vào sâu phía Nam, Bắc Giang luôn là tâm điểm của hoạt động vận chuyển gia cầm. Tuyến Quốc lộ 1A chạy qua địa bàn Bắc Giang luôn là “cung đường gà lậu”, với những cuộc rượt đuổi tốc độ giữa lực lượng chức năng và dân buôn lậu, vận chuyển thuê.

Siêu lợi nhuận

Cục phó Cục Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hòa thừa nhận mặc dù đã tích cực đấu tranh và tuyên truyền về tác hại của việc vận chuyển, buôn bán gia cầm lậu qua biên giới nhưng không thể ngăn chặn triệt để. Theo ông, cái khó của việc ngăn chặn người dân đi làm cửu vạn mang gà qua biên giới cho đầu nậu là do việc xách gà qua biên giới có thu nhập khá bởi giá chênh lệch rất cao.

Hiện giá gà thải loại ở bên kia biên giới chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nhưng khi lọt qua đường biên đã lên 20.000-30.000 đồng/kg và vào sâu nội địa giá lên đến 35.000 đồng- 40.000 đồng/kg (chênh lệch gấp 3- 4 lần).

Tại TP Lạng Sơn – địa bàn các đầu nậu dùng để thu gom gà nhập lậu của dân cửu vạn rồi vận chuyển sâu vào nội địa - lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ thu gom hàng tấn gia cầm nhập lậu. Trong tháng 4, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn cũng đã phải bố ráp mạnh ở các khu vực sôi động gia cầm nhập lậu như Bảo Lâm (huyện Cao Lộc), Khuổi Mươi, xã Thuỵ Hùng (huyện Cao Lộc), Bãi Gianh (thị trấn Đồng Đăng), Tú Mịch – Chi Ma (huyện Lộc Bình) hay ngay trên Quốc lộ 1 thuộc điểm 05-06 (thị trấn Đồng Đăng), cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trên 1 km.

Tại Lạng Sơn, không chỉ “nóng” hoạt động vận chuyển gà nhập lậu qua biên giới mà còn là con đường trung chuyển gà nhập lậu qua biên giới ở tỉnh Cao Bằng. Bằng cách tháo hàng ghế sau của xe khách, nhiều chủ xe chở thuê số gà lậu Cao Bằng theo Quốc lộ 4B đi qua Lạng Sơn, Thái Nguyên đưa về Hà Nội  tiêu thụ...

Cục phó Cục Thú y Hoàng Văn Năm lo lắng: Trong tình hình dịch bệnh đang phức tạp hiện nay, nếu chốt chặn gia cầm, sản phẩm gia cầm, gia súc, sản phẩm gia súc ở biên giới bị bỏ ngỏ thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm là khó tránh khỏi.

Chưa phát hiện ở phía Nam

Theo giới kinh doanh gia cầm tại TPHCM, gà thải loại (gà công nghiệp nuôi lấy trứng sau thời gian dài thải ra) thường được tiêu thụ dưới dạng tươi sống. Các quán ăn sử dụng loại gà này thay thế cho loại gà ta do gà công nghiệp nuôi đẻ sau 2- 3 năm có thịt dai gần giống với gà ta và có nhiều trứng non... Tuy nhiên, loại gà sống này chủ yếu chỉ tiêu thụ tại thị trường phía Bắc, khó có thể đưa vào các tỉnh phía Nam vì không thể vận chuyển quãng đường dài (loại gà công nghiệp nếu vận chuyển khoảng 6- 8 giờ sẽ rất dễ chết). Trường hợp giết mổ đông lạnh cũng chưa thấy xuất hiện tại thị trường phía Nam...

Thông tin từ Chi cục Thú y TPHCM cũng cho thấy cơ quan này chưa phát hiện gà thải loại của Trung Quốc. Riêng trường hợp nguồn gà này nếu đưa vào giết mổ, đóng gói, chế biến hoặc đông lạnh có được tiêu thụ tại thị trường phía Nam hay không thì chưa thể khẳng định được.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường