Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hợp tác xã và trang trại là đội hình hội nhập
03 | 06 | 2009
Hợp tác xã (HTX) và trang trại là hình thức tổ chức sản xuất mang tính xã hội hóa và tính cạnh tranh cao hơn sản xuất cá thể. Bởi nó tích tụ, tập trung được đất đai, tiền vốn, năng lực quản lý mới có khả năng đầu tư mở rộng sản xuất, trang bị kỹ thuật, áp dụng khoa học...

Qua đó, có khả năng tiếp cận các nguồn tài trợ của Chính phủ, mới thực hiện tích lũy, tái sản xuất mở rộng, cải thiện thu nhập và đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Mọi chủ trương, chính sách và các nguồn tài trợ của Chính phủ không thể nào trực tiếp đến hàng triệu hộ nông dân, kể cả chủ trang trại mà quy mô sản xuất chỉ 5-10ha.

Nói thế là không thừa, bởi chủ trương của Chính phủ hiện nay đang hỗ trợ nông dân để chống suy thoái kinh tế triển khai quá chậm chạp. Bởi không có nhiều HTX và chủ trang trại đủ mạnh, nhiều nơi chưa tổ chức HTX và quy mô trang trại cũng chỉ ở tầm trung nông. Như vậy, ngay như trang trại cũng cần tổ chức lại thành HTX hoặc công ty cổ phần nông thôn, có quy mô hàng trăm, thậm chí hàng ngàn hecta, vốn điều lệ phải đến hàng chục tỉ đồng. Tuy hiện nay ta cũng có rất nhiều HTX kiểu mới, có trang trại hàng trăm hecta nhưng tại sao nói khó? Cái khó chính là cũng có như người ta, nhưng cách làm không giống nên nông dân mình hội nhập bị thua thiệt hơn.

Cái khó của trang trại là quyền sử dụng đất bị hạn điền điều chỉnh, nếu có 100ha thì phải mượn tên bà con đứng giấy cả chục người, phải “lo lắng” thường xuyên chuyện bà con có thể “giở chứng” tranh chấp, còn khi giao dịch thì thật rắc rối cho ngân hàng và các đối tác. Họ thường xuyên không yên tâm với tư cách chủ trang trại.

Còn cái khó của HTX là vốn ít, muốn mua sắm máy móc, xây kho hoặc kinh doanh dịch vụ thì thủ tục của ngân hàng là phải có thế chấp hoặc kiểm toán mấy năm liền có hiệu quả, đất nếu Nhà nước giao xây kho thì không được thế chấp, sấy lúa thuê cho xã viên cũng phải nộp thuế giá trị gia tăng 5%... Nghĩa là những điều kiện để tiếp cận vốn thì HTX không có. Từ đó tạo ra vòng luẩn quẩn: không vốn nên làm không hiệu quả, không hiệu quả không tiếp cận được vốn, kể cả hỗ trợ từ Chính phủ.

Những vấn đề trên là những trói buộc tại HTX và nông dân. Chính vì vậy, mọi chủ trương và hỗ trợ của Chính phủ phải thông qua “kênh” hành chính với nhiều thủ tục. Chưa kể đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp từ năm 2001-2005 chỉ chiếm 6-7% ngân sách. So với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới, chính phủ các nước được phép tài trợ 10% tổng giá trị nông nghiệp cho nông dân, còn ta chỉ mới 2-3% là quá thấp...

Đây cũng là điều kiện khách quan có tầm rất quyết định cho tổ chức lại sản xuất và phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững. Trong khi đó, dân nông thôn chiếm 70%, đóng góp hơn 20% GDP. Đã đến lúc phải xây dựng quan hệ sản xuất mới, trong đó khẳng định mô hình của HTX và trang trại, mà vai trò hội nông dân là cùng với Nhà nước thiết kế, xây dựng để đưa tập thể nông dân “vượt biển”.



(www.tuoitre.com.vn)
Báo cáo phân tích thị trường