Ba Vui, người chuyên lùng sục vào xứ vườn Cái Bè (Tiền Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp) mua xoài lá (mua mão những vườn xoài để xử lý gốc, phun thuốc kích thích bắt xoài ra hoa kết trái theo ý muốn), vô tư khoe: “Trước năm 2000, tui chuyên xài nitrate kali, hoặc “pắc-lô” (pacloputrazol) để kích thích xoài ra hoa mùa nghịch, cây đâm bông khoảng 70%. Nhưng từ năm 2000 đến nay, tôi sử dụng loại phân bón lá như: DOLA 02X, Bon, Rabon, Tăng đậu trái… cây xoài ra bông đến 90 – 100%”. Hiện tại, không riêng gì Ba Vui sử dụng những loại phân bón lá nêu trên, nhiều chủ vườn xoài ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng sử dụng các loại thuốc này. Họ hoàn toàn không biết, trong các loại phân bón lá kích thích ra hoa này có chứa chất độc nguy hiểm đối với sức khoẻ người trực tiếp phun xịt: chất thiourea. Khi biết thông tin này, ông Út Phận, chủ vườn xoài ở xã An Cư (huyện Cái Bè, Tiền Giang) và nhiều nông dân khác, thất thần, bởi lâu nay họ là “tín đồ” của thiourea.
Những thông tin gây sốc
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chất thiourea (công thức hoá học CH4N2S) được phép sử dụng làm phân bón lá, kích thích ra hoa cho vườn xoài ở ĐBSCL từ năm 2000, xuất hiện đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp, sau đó lan khắp các tỉnh trồng xoài với diện tích lớn. Với tác dụng kích thích ra hoa mùa nghịch từ 90 – 100%, loại phân bón lá có chứa thiourea được người trồng xoài ưa chuộng. Nhưng theo các nhà khoa học về cây ăn trái ở ĐBSCL, chất thiourea có tác dụng xấu đối với người trực tiếp sử dụng (nông dân). Từ hàng chục năm nay, chất thiourea đã bị cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (U.S EPA) xếp vào loại chất độc nhóm B2, sau khi đã làm nhiều thí nghiệm trên động vật. Cơ quan này còn xác định thiourea là tác nhân gây hại đến hệ thống máu, làm giảm hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu, làm gia tăng kích thước của tuyến giáp và lá lách. Tại Việt Nam, trong hội thảo khoa học quốc tế về sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP được tổ chức trong tháng 7.2008 ở tỉnh Bình Thuận, khi đề cập đến vấn đề sử dụng thiourea làm phân bón lá kích thích xoài ra hoa, nhiều nhà khoa học phía Nam đã cảnh báo: “rủi ro lớn nhất của con người là tiếp xúc với thiourea, đặc biệt là do nông dân không được trang bị quần áo bảo hộ lao động, mặt nạ chống độc, nên sẽ gặp rủi ro vì chất thiourea tác động đến con người qua đường hô hấp và qua da”. Dù vậy, nhiều năm qua, các loại phân bón lá có chứa thiourea vẫn được phép bày bán trên thị trường nông dược, trong đó có những nhãn hiệu hàm lượng thiourea chiếm đến 97 – 99% thành phần thuốc. Đáng lưu ý là, mặc dù các nhà khoa học đã cảnh báo tác hại của thiourea đối với sức khoẻ con người từ tháng 7.2008, nhưng đến tháng 10.2008, theo đề nghị của cục Trồng trọt, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vẫn cho phép lưu hành các loại phân bón lá có chứa thiourea.
Nhà vườn lãnh đủ
Vấn đề hiện nay mà các nhà khoa học về cây ăn trái, thuốc bảo vệ thực vật âu lo, không phải là chuyện tại sao một chất nguy hiểm như thiourea lại “lọt lưới”, mà là sức khoẻ của hàng chục ngàn nông dân trồng xoài ở ĐBSCL nói riêng, cả miền Nam nói chung, sau gần mười năm tiếp xúc trực tiếp với chất độc này. Hiện nay, các tỉnh ĐBSCL có gần 30.000ha đất trồng xoài, năng suất hàng trăm ngàn tấn trái/năm, lâu nay sử dụng thuốc kích thích ra hoa, đã trở thành thói quen của nhà vườn. Tuy nhiên, những năm qua vẫn chưa có một nghiên cứu thấu đáo nào về tác hại của chất thiourea đối với sức khoẻ của những người trực tiếp sử dụng.
Đã đến lúc cần phải có nghiên cứu khoa học chi tiết về tác hại của chất thiourea đối với sức khoẻ của hàng chục ngàn nông dân trong những vùng chuyên canh xoài, từ đó có khuyến cáo để họ phòng tránh nhiễm độc. Theo các nhà khoa học về cây ăn trái và thuốc bảo vệ thực vật, không sử dụng thiourea để kích thích xoài ra hoa, nhà vườn có thể thay thế loại thuốc khác vẫn đạt hiệu quả, nhưng ít nguy hại hơn đối với sức khoẻ con người.