Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đồng bằng sông Cửu Long: Mở rộng diện tích cây ăn quả đặc sản phục vụ xuất khẩu
31 | 07 | 2009
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã đưa thêm 18.000 ha vào trồng 8 loại cây ăn quả đặc sản gồm: Bưởi Năm Roi, Bưởi Da xanh, Thanh long, Măng cụt, Vú sữa Lò Rèn, Xoài Cát Lộc, Cam sành, Sầu riêng Ri 6, nâng tổng diện tích cây ăn quả đặc sản toàn vùng lên 73.000 ha, chiếm 29% diện tích cây ăn quả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Theo kế hoạch, trong năm 2010, các tỉnh nói trên sẽ trồng thêm 7.000 ha nhằm nâng diện tích trồng 8 loại cây đặc sản nói trên lên 75.000 ha. Sản lượng đến thời điểm trên đạt hơn 590.000 tấn, tăng 230.000 tấn so năm 2006, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt 35 triệu USD.

Khắc phục tình trạng thiếu giống, hàng chục cơ sở tư nhân dày dạn kinh nghiệm tại Cần Thơ, Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long và Tiền Giang đã được đặt hàng sản xuất giống đạt chuẩn sạch bệnh. Hàng ngàn nông dân tại 8 tỉnh, thành trên được tập huấn chương trình IPM trên cây có múi do Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) biên soạn tài liệu, hướng dẫn. Các tỉnh vận động nông dân liên kết sản xuất trong 300 tổ, nhóm liên kết, tổ hợp tác nhằm phát huy tốt kinh nghiệm trồng cây ăn quả lâu đời...

Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam tích cực tham gia hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp thâm canh mới như trồng dày, tạo tán, tỉa cành, bón phân hữu cơ, xử lý ra hoa mùa nghịch, tăng đậu quả, đi đôi với phòng chống các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh ruồi đục trái, thán thư trên xoài cát; bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ cây có múi; bệnh xì mủ thân, khô lá sầu riêng... gây thiệt hại lớn cho nông dân ĐBSCL thời gian qua.



Theo FSIU
Báo cáo phân tích thị trường