Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế Trung Quốc sẽ chậm hơn trong năm tới
12 | 07 | 2007
Báo cáo mới nhất của Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết, tăng trưởng kinh tế nước này được dự báo sẽ chậm hơn trong năm tới, với mức 9,25% nhờ nỗ lực điều tiết nền kinh tế vĩ mô của chính phủ.

Theo dự báo của báo cáo, tăng trưởng GDP trong năm nay sẽ đạt khoảng 10,48%. Trong đó, đầu tư trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng ở mức 27%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,5%, nhập khẩu tăng 27,2% và xuất khẩu tăng 23,4%.

Kinh tế Trung Quốc bắt đầu giảm nhẹ từ quý 2 năm nay chứng tỏ những chính sách điều chỉnh vĩ mô nhằm hạ nhiệt nền kinh tế của chính phủ đã phần nào có hiệu quả.

Dự báo, trong năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục chậm lại nhờ các yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như đầu tư bất động sản giảm nhẹ với tăng trưởng 23%, thấp hơn 3,65% so với mức trung bình hàng năm trong 3 năm qua. Theo báo cáo, sự giảm sút này có thể làm suy yếu một số lĩnh vực tài nguyên khác.

Cũng theo báo cáo, vấn đề nguồn cung tiền tệ và khả năng thanh toán dư thừa trong hệ thống ngân hàng Trung Quốc là hai vấn đề lớn cần được giải quyết trong năm tới. Ngoài ra, những rủi ro về giảm phát cũng có thể nổi lên nếu nhu cầu suy yếu.

Chính vì vậy, theo báo cáo, trong thời gian ngắn, các chính sách điều chỉnh của chính phủ cần tập trung ngăn chặn tốc độ sụt giảm quá nhanh của GDP, đầu tư bất động sản và nguồn cung tiền tệ.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cần chú trọng hơn tới việc phát triển cân bằng giữa thành thị và nông thôn, phía đông và phía tây. Cụ thể, chính phủ và chính quyền địa phương nên dành phần lớn ngân sách cho các dịch vụ công ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần nới lỏng hơn chính sách cho vay tiền tệ để đưa mức tăng trưởng về nguồn cung sát với mức tăng trưởng GDP và CPI. Ngoài ra, việc định giá đồng Nhân dân tệ và giới hạn mức giao động tỷ giá đồng tiền này so với các đồng tiền khác cần được nới lỏng hơn từ mức 0,3% hiện nay lên đến 3-5%.



Theo Vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường