Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thế giới cần, ta chưa có
14 | 07 | 2009
Trong 9 loại cây ăn trái đặc sản được Bộ NN-PTNT quy hoạch phát triển ở vùng ĐBSCL, có 5 loại gồm: bưởi Năm Roi, cam sành Tam Bình (Vĩnh Long), bưởi da xanh ruột hồng, sầu riêng Ri6 và sầu riêng cơm vàng hạt lép Chín Hóa (Bến Tre), xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) được Cục Sở hữu công nghiệp cấp giấy chứng nhận “bảo hộ thương hiệu hàng hóa”.

HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) hoạt động từ tháng 4.2007 với 47 hộ xã viên và 50 ha chuyên canh bưởi Năm Roi. Tháng 5.2007, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) phối hợp với Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN cùng Tổ chức GTZ (Đức) hỗ trợ HTX sản xuất bưởi Năm Roi theo tiêu chuẩn Global GAP. Qua nhiều lần kiểm tra nghiêm ngặt, tổ chức đánh giá thẩm định tiêu chuẩn quốc tế (SGS) tại VN đã chính thức cấp cho HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP đối với 26 hộ tham gia trên diện tích 23,49 ha. 

Hiệp hội Trái cây châu Âu cũng vừa trao cho HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, Tiền Giang) giấy chứng nhận đạt chuẩn Global GAP. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, nói: “Nông dân quen làm ăn kiểu nhỏ lẻ nên rất ngỡ ngàng và phải học lại từ đầu, từ cách bón phân, tỉa lá, thu hoạch cho đến việc lập nhật ký sản xuất. Kết quả của quy trình mới, nông dân giảm gần 50% chi phí và sản phẩm thu hoạch tăng hơn 30% so với không áp dụng quy trình mới này”... Mới đây, HTX được Bộ Nông nghiệp Mỹ ký duyệt và trao chứng nhận nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ. Đây là nhà máy đóng gói đầu tiên của vùng ĐBSCL đạt tiêu chuẩn này, hiện cả nước mới có 5 nhà máy đóng gói đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường Mỹ. 

Nhiều địa phương đã có mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, tuy nhiên để phát triển thành vùng chuyên canh lớn dường như vẫn còn là “nhiệm vụ bất khả thi” bởi: sản lượng hạn chế, khó mở rộng diện tích, tập quán sản xuất cũ vẫn tồn tại trong một bộ phận nông dân, thiếu vốn đầu tư... Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Phó chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, cho biết: “Tháng trước, khách hàng ở TP.HCM đề nghị HTX cung ứng 70 container bưởi Năm Roi (1 container khoảng 16 tấn) để xuất sang châu Âu nhưng lực bất tòng tâm. Bưởi trong xã Mỹ Hòa nhiều, nhưng chọn trái đạt chuẩn Global GAP thì không đủ”. Theo ông Nguyễn Văn Ngàn, đầu năm 2009, có đối tác đặt 16 tấn vú sữa xuất khẩu nhưng HTX cũng không dám nhận.

Do không đủ tiêu chuẩn chất lượng nên lâu nay, nhiều sản phẩm trái cây như nhãn, vú sữa, bưởi đã xuất vào Nga và một số thị trường khác đều qua đường tiểu ngạch. Vì vậy không thể xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm của mình tại các thị trường này.

Một cán bộ làm công tác nông nghiệp cho rằng “tập hợp 10 ông nông dân trồng cây ăn trái khó hơn 10 nông dân trồng lúa”, vì quy trình trồng lúa đơn giản, còn trồng cây ăn trái thì nhiều kinh nghiệm, không ai chịu nghe ai. Ví dụ như bệnh chảy mủ, thúi gốc sầu riêng gắn liền với việc lạm dụng hóa chất, nhưng rất ít người chịu nghe ý kiến của cán bộ kỹ thuật.

Theo vị này, vấn đề cấp bách hiện nay là phải tập hợp nông dân lại và sản xuất theo quy trình Viet GAP hoặc Global GAP. Nhất thiết phải tổ chức nông dân lại thông qua mô hình HTX. Bởi vì muốn sản xuất theo quy trình Global GAP phải có kho chứa phân, chứa thuốc riêng, phải có nhà sơ chế đóng gói trái cây, phải có nước sạch, kể cả nhà vệ sinh... hợp vệ sinh. (H.P)


Nguồn: Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường