Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông sản vào siêu thị:Đến lúc chấm dứt lối sản xuất manh mún
04 | 07 | 2007
Tiên đoán trước được nhu cầu của thị trường khi VN gia nhập WTO, rất nhiều nông dân (ND), doanh nghiệp nông nghiệp tại Hà Nội và một số vùng lân cận đã xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng nông sản hàng hoá để đưa vào siêu thị và tiến tới xuất khẩu.

ND trồng rau "công nghệ cao"

Năm 2000, ND phường Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu làm quen với quy trình sản xuất rau an toàn (RAT) dù khi đó người tiêu dùng Hà Nội hoàn toàn "mù tịt" với khái niệm này. Bất chấp "đầu ra" phập phù, thu nhập bấp bênh nhưng họ vẫn quyết tâm đeo bám mô hình. Hàng tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố đến lấy mẫu rau của Lĩnh Nam để kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Kết quả đánh giá của Chi cục là căn cứ để ND đưa hàng đi chào mời, tiếp thị khắp nơi...

Những nỗ lực này của ND Lĩnh Nam bắt đầu được đền đáp từ năm 2003, khi người Hà Nội hàng ngày phải nghe những thông tin về các vùng rau không an toàn, các vụ ngộ độc thực phẩm. RAT của Lĩnh Nam lên giá vùn vụt. Không chỉ bán ở các nhà hàng, khách sạn sang trọng ở Hà Nội, RAT của Lĩnh Nam còn theo các xe lạnh, thùng hàng vào thành phố Hồ Chí Minh và xuất tiểu ngạch sang Lào, Thái Lan. Ông Nguyễn Mạnh Tùng - Chủ nhiệm HTX RAT Lĩnh Nam cho hay: "Ngoài diện tích trồng RAT theo quy trình nông nghiệp hữu cơ, Lĩnh Nam còn có 20ha đất trồng rau, hoa công nghệ cao trong nhà lưới. Tất cả ND đều qua các lớp tập huấn về canh tác hữu cơ do các chuyên gia của tổ chức Hỗ trợ nông nghiệp ADDA Đan Mạch hướng dẫn".

Trước khi đưa ra thị trường, toàn bộ RAT của Lĩnh Nam được đưa vào xưởng sơ chế, đóng gói, dán nhãn mác, nguồn gốc, địa chỉ sản xuất. Trung bình mỗi ngày, HTX RAT Lĩnh Nam nhập cho hệ thống các siêu thị Fivimart, Techmart 3-5 tấn RAT các loại với giá cao gấp đôi, gấp ba giá thị trường.

Sản xuất cá thể - không có chỗ ở siêu thị

Năm 2004, thị trường Hà Nội xuất hiện thương hiệu thực phẩm an toàn VNG. Chỉ trong một thời gian ngắn, các sản phẩm (chủ yếu là thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn) mang thương hiệu này đã có mặt tại các bếp ăn tập thể, các trường mẫu giáo và len chân vào hệ thống siêu thị Metro miền Bắc. Hệ thống dây chuyền giết mổ của công ty lên tới 500 con lợn/ca. Ông Phạm Mạnh Hà - Tổng Giám đốc Công ty cho biết: "Chúng tôi kiểm soát chặt chẽ từ khâu chăn nuôi, giết mổ, ra sản phẩm. Chẳng có lý do gì các siêu thị không nhập hàng của chúng tôi".

Nguồn cung cấp lợn thịt chủ yếu cho Công ty VNG là các trang trại lớn của ND Hà Nội, Hưng Yên, Hà Tây. Tại các trang trại này, VNG ký hợp đồng bao tiêu, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát quy trình chăn nuôi. Một cán bộ kỹ thuật của VNG ghi chép, theo dõi chất lượng con giống, chế độ dinh dưỡng cho đàn lợn qua các thời kỳ và lý lịch của các loại vaccin phòng bệnh. Phát hiện có dịch bệnh, họ nhanh chóng khoanh vùng, cách ly theo dõi. Nhờ đó, ra đời chưa được bao lâu, sản phẩm của công ty đã chiếm được thị phần lớn tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Ông Hà cho hay: "Chúng tôi không thể thu mua sản phẩm của từng hộ ND nuôi nhỏ lẻ bởi không kiểm soát được quy trình chăn nuôi của họ. Chỉ những hộ chăn nuôi quy mô vừa trở lên (thấp nhất xuất 50 con lợn/tháng), có kiểm soát thú y, chúng tôi sẽ nhận bao tiêu toàn bộ theo giá chung thị trường".

Theo ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Trường An, đầu mối cung cấp nông sản cho các siêu thị: "Chúng tôi không thể thu gom hàng ở từng hộ cá thể, không thể đến từng gia đình để kiểm tra, lấy mẫu sản phẩm. Bởi vậy, để nông sản của người dân vào các siêu thị, không có cách nào khác, bà con phải thành lập các tổ, nhóm, dây chuyền sản xuất cùng một loại cây con nhất định. Các tổ nhóm ấy phải phân công trách nhiệm đối với từng thành viên, kiểm soát quy trình sản xuất theo từng thời kỳ và có kiểm định của thú y viên hoặc của Chi cục Bảo vệ thực vật. Có như vậy chúng tôi mới thu gom thuận lợi và các hợp đồng kinh tế mới kéo dài được".



Hội nông dân
Báo cáo phân tích thị trường