Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chiến lược sinh kế đối phó giảm nghèo của người dân miền núi
24 | 07 | 2009
Xoá đói giảm nghèo là chương trình trọng điểm quốc gia đã thực hiện trong nhiều năm qua và thu được kết quả tôt với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, sự nghiệp xoá đói giảm nghèo tiếp tục đạt nhiều thành tựu. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, một số tỉnh ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, duyên hải miền Trung giảm 5 đến 6%/năm. Căn bản xoá xong nhà tạm, dột nát cho gia đình nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ nét, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái toàn cầu như hiện nay thì người nghèo, đặc biệt là người dân miền núi gặp rất nhiều khó khăn trong việc cải thiện đời sống kinh tế gia đình, đảm bảo nguồn thu nhập cho người nghèo là vấn đề không dễ dàng giải quyết.

Gần đây trong cuộc hội thảo “Người dân nông thôn miền núi trong bối cảnh biến động kinh tế vĩ mô”  do Viện Chính sách và chiến lược PTNNNT tổ chức đã có nhiều ý kiến phát biểu về thực trạng đời sống của người dân nghèo cả nước hiện nay và những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Theo chuyên gia Ngô Vi Hải- Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT thì những bất cập trong việc tiếp thu chính sách xoá đói giảm nghèo hiện nay là cần có thếm chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi, đầu tư đường giao thông nông thôn, quý đất đai thì có hạn và ngày càng bị thu hẹp cũng gây không ít khó khăn cho người dân nghèo. Công tác sản xuất hàng hoá nông sản chưa tốt dẫn đến doanh thu thấp... Để giải quyết những vấn đê này rất cần những nhóm giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành.

Chúng ta đã có nhiều mô hình thành công trong công tác xoá đói giảm nghèo như mô hình “Một mái nhà, một con bò, một bể nước” của Hà Giang; Mô hình xã hội hoá hỗ trợ nhà ở cho người nghèo theo phương thức: Nhà nước tạo cơ chế, hỗ trợ một phần nguồn lực, huy động đóng góp của cộng đồng, dòng họ và chính bản thân người nghèo đang được thực hiện có hiệu quả ở nhiều địa phương. Nhiều phong trào hỗ trợ người nghèo đã được phát triển mang tính xã hội hoá cao như: Ngày vì người nghèo; Phong trào giúp dân xoá nhà tạm, nhà dột nát; Phong trào vì phụ nữ nghèo, tổ nhóm phụ nữ giúp nhau tiết kiệm và vay vốn phát triển sản xuất...

Từ năm 1993 đến nay tỷ lệ người nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% xuống còn 14% vào năm 2008, trong đó tỷ lệ người dân nghèo khu vực miền núi cũng giảm từ 86 % xuống còn hơn 60%. Tuy  nhiên công tác xoá đói giảm nghèo cho người dân miền núi vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn rất cần có sự phối hợp của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội và từ phía chính những người dân để công cuộc xoá nghèo đạt được những kết quả thắng lợi nhất.



Tùng Anh/Theo Lenduong.vn
Báo cáo phân tích thị trường