Hội thảo đã được nghe các bài trình bày Nguồn lực phát triển kinh tế nông thôn của ThS. Phạm Quang Diệu – Giám đốc Trung tâm Thông tin PTNNNT, Khả năng và nhu cầu tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi của ThS. Trịnh Văn Tiến và đi đến những thống nhất chung.
Trong bối cảnh công nghiệp hoá, các vấn đề về điều kiện sống và cải thiện sinh kế tại khu vực nông thôn phải được đặt ra. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như giới tính, dân tộc thiểu số, căn bệnh HIV, an toàn thực phẩm, môi trường cũng được đề nghị xem xét trong quá trình xây dựng chiến lược. Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển và Marketing sản phẩm nông nghiệp còn nhiều thiếu thốn… Kinh nghiệm từ chương trình 135 cho thấy chủ trương, chính sách cần áp dụng linh hoạt đối với các khu vực dân tộc thiểu số (đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục, đói nghèo, bệnh tật, nước sạch…). Biến đổi khí hậu sẽ có tác động lớn đến phát triển nông nghiệp và nông thôn, do đó nên cân nhắc khi nghiên cứu các giải pháp trong tầm nhìn chiến lược.
Bên cạnh đó, phương pháp tiếp cận cũng sẽ được cải thiện, được tiến hành nghiên cứu/ khảo sát trước với sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan trong quá trình ra quyết định, xây dựng - quản lý công trình, tập trung duy tu bảo dưỡng. Cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn miền núi chưa đầy đủ, cần thiết phải đầu tư, tăng cường năng lực đưa người dân chủ động hội nhập, và phát triển thị trường lao động cho các vùng nông thôn, miền núi. Quá trình xây dựng - thực hiện chiến lược sẽ huy động sự tham gia phối hợp của các Bộ/ ngành khác nhau, cộng đồng quốc tế, doanh nghiệp, cá nhân và địa phương…
Hội thảo Nguồn lực và tiếp cận nguồn lực phát triển của cư dân nông thôn miền núi đã gợi mở những chiều sâu thông tin, cách tiếp cận mới mẻ, rõ ràng về các chủ trương, chính sách nhằm phát triển nông nghiệp nông thôn.