Những năm gần đây, nhiều xã của huyện Châu Thành đã hình thành được vùng chuyên canh rau màu như Thân Cửu Nghĩa, Tam Hiệp với mô hình trồng rau má; xã Nhị Bình trồng rau diếp cá; Phước Thạnh, Đông Hòa trồng rau húng cây; Long An trồng ngò gai, rau cần, hành, hẹ…Hàng ngày các điểm tập kết rau hoạt động rất nhộn nhịp, người dân phân loại rau để chuyển đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh và TP.HCM, miền Đông Nam bộ…
Nông dân Ngô Quốc Bình, ấp Tân Bình, xã Thân Cửu Nghĩa phấn khởi tâm sự: “Mấy năm nay trồng rau màu cho bà con thu nhập khá lắm, tính ra còn “ngon” hơn cả trồng lúa. Chỉ mong giá rau luôn cao và ổn định như hiện nay thì “nghiệp rau” của bà con chúng tôi sống khỏe re…!”. Theo anh Bình, gia đình anh chỉ có 2.000 m2 đất trồng rau hẹ, với giá bán luôn ổn định từ 5.000-7.000 đ/kg, sau mỗi vụ cắt hẹ đã cho thu được trên 20 triệu/công. Chỉ riêng cây hẹ đã cho gia đình anh Bình doanh thu gần 80 triệu đồng/năm, cho lãi khoảng 40 triệu đồng. Tính ra lợi nhuận cây hẹ tăng gấp 4-5 lần so với trồng lúa.
Do vậy, gia đình anh Bình đã chuyển hẳn sang trồng rau theo hướng an toàn sinh học để bán giá cao hơn, lại tiết kiệm được chi phí sản xuất. Hộ ông Lê Văn Đực, ấp Cửu Hòa, xã Thân Cửu Nghĩa cũng chỉ với 600 m2 đất trồng hành xen canh với cần tàu, xà lách, quế nhưng trong vụ vừa qua đã cho gia đình ông thu trên 15 triệu đồng, trừ hết chi phí vẫn đạt lợi nhuận gần 10 triệu đồng.
Nông dân huyện Châu Thành nổi tiếng có truyền thống trồng rau màu với các mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh dưới chân ruộng, trồng trên nền đất rẫy... Tùy theo mùa vụ và nhu cầu thị trường, người dân luân vụ trồng nhiều loại rau màu khác nhau để tăng giá trị kinh tế và lợi nhuận. Đến nay, địa phương này cũng đã thành lập được HTX rau an toàn Thân Cửu Nghĩa và 10 tổ hợp tác chuyên sản xuất rau màu. Các loại rau của HTX chọn trồng phổ biến là rau má, rau dền, hành, hẹ và các loại rau quả khác như khổ qua, cà chua, dưa leo...
Tiền Giang hiện có gần 30.000 ha rau màu trồng luân canh, chuyên canh, xen canh cho sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm. Do rau màu có giá nên người dân đang mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu, tích cực đưa nhanh cây màu xuống trồng trên chân ruộng thấp. |
Tại khu vực phía Đông, HTX rau an toàn Long Hòa, TX. Gò Công hiện cũng có hơn 80 hộ dân đã chuyển đổi cơ cấu sang trồng rau màu theo hướng an toàn với diện tích khoảng 40 ha, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo các hộ dân, từ ngày sản xuất rau màu theo hướng an toàn đã giảm được chi phí khoảng 10% lượng phun xịt thuốc, phân bón...
Ông Huỳnh Văn Quang, nông dân xã Long Hòa bày tỏ: “Gia đình tui có 3 công đất ruộng trồng rau màu và đã gắn bó với “nghiệp rau” được hơn 10 năm nay. Chúng tôi chỉ mong sản phẩm rau của địa phương sớm xây dựng được thương hiệu để giúp bà con tìm đầu ra tốt và có thu nhập cao, ổn định…!”. Theo ông Quang cũng như nhiều bà con trồng rau khác, giá rau màu an toàn vẫn luôn cao hơn giá rau màu canh tác truyền thống từ 10-20%.
Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Lắm, chủ nhiệm HTX rau an toàn Thân Cửu Nghĩa cho biết: “Hiện mỗi ngày HTX tiến hành thu mua khoảng 10 tấn rau từ các hộ xã viên để cung cấp cho thị trường trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo hợp đồng với các DN mỗi ngày HTX phải cung ứng đến 20 tấn RAT nhưng thực tế HTX mới chỉ cung ứng được khoảng 50%...!”.
Ông Cao Văn Hóa, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang: “Hiện tỉnh đang triển khai dự án trồng RAT tại một số địa bàn huyện, với tổng kinh phí đầu tư gần 5 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2010 toàn tỉnh sẽ trồng được 500 ha RAT, nhằm kịp thời cung ứng nhu cầu thị trường nội địa, TP.HCM và Đông Nam bộ. Đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các hộ dân sản xuất theo hướng VietGAP và tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm RAT”. |
Theo ông Lắm, do hiện nay HTX chưa có khả năng xây dựng kho lạnh nên còn gặp khó khăn trong khâu xử lý sau thu hoạch. Chủ nhiệm HTX rau an toàn xã Long Hòa, TX. Gò Công cũng tỏ ra lo lắng về việc triển khai mô hình trồng RAT vì đến nay chưa có được thương hiệu nên nhiều lúc khó khăn đầu ra, giá cả bấp bênh, không ổn định. Hơn nữa, HTX còn thiếu vốn, phương tiện và chưa ký được hợp đồng tiêu thụ rau, khiến nhiều hộ dân phải bán cho thương lái nên thường xuyên bị ép giá...
Cây rau màu hiện được xác định là sản phẩm chủ lực của địa phương và các hộ dân đang tăng cường nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, hạn chế sử dụng phân thuốc hóa học theo tiêu chuẩn VietGap. Hiện nay ngành nông nghiệp của Tiền Giang cũng đang khuyến cáo người dân phát triển mô hình sản xuất rau màu an toàn; đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu VietGap để nâng cao giá trị cho cây rau cạnh tranh trên thị trường.