Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thịt ngoại hại thịt nội
31 | 07 | 2009
Tình trạng nhập thịt ngoại ồ ạt trong đó có cả thịt bẩn, thịt ôi, phụ phẩm quá hạn... không chỉ đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng mà còn hạ “nốc ao" hàng triệu người chăn nuôi.

Hôm qua 29/7, trao đổi với NNVN ông Lê Văn Mẽ - GĐ Cty Chăn nuôi Phú Sơn (Trảng Bom, Đồng Nai) bức xúc: “Việc DN nhập nội tạng động vật với giá rẻ đã kéo giá sản phẩm chăn nuôi trong nước xuống quá thấp. Ngay một DN lớn như Vinafood mà nhập toàn những thứ quá "đát”, trong khi người tiêu dùng lại không phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, cứ thấy giá rẻ là mua. Đây là sự cạnh tranh không công bằng, thiếu lành mạnh. Từ nay đến cuối năm nền kinh tế còn khó khăn, tâm lý người tiêu dùng vẫn muốn mua đồ rẻ. Do đó, nếu cứ cho nhập khẩu (NK) phụ phẩm về bán với giá rẻ mạt thì làm sao người chăn nuôi cạnh tranh nổi”.

Theo ông Mẽ thì “nhà nước cần cân nhắc kỹ lợi ích của người chăn nuôi cũng như người tiêu dùng. Hiện nay lợi nhuận đang làm “mờ mắt” nhiều nhà NK thịt ngoại vô đạo đức”. Ông Mẽ ví von: “Heroin chỉ cần buôn bán một lượng nhỏ đã bị tử hình trong khi nhập thịt ngoại lợi nhuận khủng khiếp lại rất an toàn (chỉ bị phạt hành chính) thì ai chẳng làm. Đã đến lúc Nhà nước cấm không cho nhập mấy cái đồ phế phẩm đó”. Ông Mẽ khẩn cầu, bởi theo ông chỉ Nhà nước mới đủ khả năng cân bằng được lợi ích giữa người tiêu dùng và người sản xuất.

Tương tự, ông Tư Kim – GĐ Cty TNHH Kim Long (Thủ Dầu Một, Bình Dương) thẳng thừng: “Việc nhập thịt ngoại đang gây biết bao hệ lụy xấu cho ngành chăn nuôi. Hiện các DN đang méo mặt chạy từng đồng USD để thanh toán quốc tế thì chúng ta lại hào phóng bỏ hàng chục triệu USD rước đồ phế phẩm về. Việc này cũng gián tiếp “nốc ao” thịt nội bởi lẽ, ở nước ngoài người ta không sử dụng nội tạng nên các Cty giết mổ phải bỏ tiền ra để tiêu hủy thứ “của nợ” đó. Nay các DN đua nhau bỏ USD mua về sẽ giúp DN của họ giảm được chi phí, càng làm cho giá thịt ngoại hạ xuống so với giá thịt nội".

Ông Tư Kim khẳng định: “Nếu DN nhập chính phẩm đảm bảo VSTP về bán với giá rẻ thì Nhà nước nên khuyến khích, nhưng nếu nhập toàn “của trời ơi” thì nên cấm tiệt vì chẳng có lợi cho người chăn nuôi lại hại người tiêu dùng. Vừa qua tình trạng NK nội tạng động vật ồ ạt đã phá vỡ cơ cấu ngành chăn nuôi. Nguy hiểm hơn, việc NK bát nháo đã làm người tiêu dùng nghi ngại chất lượng thịt heo trên thị trường, thay vào đó họ đến các siêu thị để mua cho an tâm. Mà siêu thị đâu có thịt heo trong nước, toàn hàng NK. Hành động người tiêu dùng quay lưng với thịt heo nội đã "bóp chết" chăn nuôi".

Chi cục Thú y TPHCM cho biết, một vấn đề cũng rất đáng lo ngại là chưa có quy định nào ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị cho thuê kho lạnh trong việc quản lý hàng đông lạnh. Vì vậy các đơn vị này chỉ biết chủ hàng, không liên quan gì đến cơ quan thú y. Họ cho xuất hàng ra bất cứ lúc nào nếu chủ hàng yêu cầu.

Ông Anh Tuấn - chủ một DN am tường về NK thịt ngoại ở Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, các loại thịt gia súc, gia cầm đông lạnh gần hết “đát” nước ngoài họ bán rẻ lắm vì nếu giữ lại phải tốn tiền tiêu hủy. Những thứ đó về Việt Nam cũng mất cả tháng trời (vì đi tàu), cộng thêm nhiều tháng trữ trong kho lạnh nên khi đưa hàng ra tiêu thụ thì thành hàng…siêu quá "đát” nên mới có chuyện DN “sửa đát”. Điều này người tiêu dùng không biết, chứ dân nhập khẩu đều rất rành.

Theo ông Tuấn, cơ chế hiện nay đã tạo điều kiện cho DN gian dối quá dễ dàng vì hàng vận chuyển từ cảng về kho đông lạnh không hề có niêm phong của ngành thú y. Trên đường vận chuyển, nhập kho chả có ai kiểm soát nên DN tha hồ trà trộn đồ thối, đồ ôi vào. Cuối cùng, hàng đó bán “phá giá” thì người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước lãnh đủ.

Được biết, tại Trung tâm Thú y Vùng VI lực lượng cán bộ kiểm tra, giám sát việc lấy mẫu tại cảng cũng như ở kho lạnh chỉ có 4 người, trong khi mặt hàng thực phẩm nhập về mỗi tháng cả trăm container nên nhiều trường hợp chỉ kiểm tra trên giấy hoặc trên mẫu hàng do chủ hàng gửi đến. Đáng nói, khi hàng về kho lạnh, lực lượng thú y địa phương cũng ít khi vào kho kiểm tra vì nhiệt độ quá lạnh lại mất nhiều thời gian. Chính cách làm như hiện nay là cơ hội để cán bộ thú y trực kho và chủ hàng “đi đêm” với nhau tuồn hàng kém chất lượng ra thị trường.

(Theo NNVN)



Báo cáo phân tích thị trường