Thịt bò ngoại quá mắc
Thời gian gần đây, giá thịt bò Mỹ tại thị trường VN bắt đầu giảm nhẹ, hiện chỉ còn khoảng 14 USD/kg đối với loại thịt thăn và 10 USD/kg đối với loại thịt nạm (chưa tính các loại thuế). Tuy nhiên, theo một nhân viên Công ty Gold Garden - một trong những đơn vị nhập thịt bò Mỹ, thị trường thịt bò nhập khẩu vẫn khá ổn định, không có biến động nhiều về thị phần. “Hầu hết các khách hàng mua loại sản phẩm này là người nước ngoài, một số khách vãng lai người Việt cũng mua về sử dụng nhưng rất ít...” - nhân viên của công ty này cho biết. Vào những lúc cao điểm, Công ty Gold Garden tiêu thụ được khoảng 1 tấn/tháng, bình thường chỉ bán được 300-500kg/tháng.
Khả năng sản xuất của ngành chăn nuôi cả nước khoảng hơn 100.000 tấn thịt trâu, bò/năm, nếu chia bình quân đầu người, mỗi người VN chỉ được chưa đến... 1,5kg thịt bò/năm. “Nguồn cung thịt bò trong nước hiện không đáp ứng được nhu cầu, sản xuất ra bao nhiêu cũng không đáp ứng đủ. Do vậy người chăn nuôi bò VN sẽ không bị ảnh hưởng nhiều của thịt bò ngoại nhập khẩu vì đối tượng tiêu dùng khác nhau...” - một cán bộ Cục Chăn nuôi khẳng định. |
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành thương mại, trong năm 2005, chiếm thị phần lớn nhất trong số các loại sản phẩm nhập khẩu vào VN là thịt bò Úc, kế đến là Mỹ - trị giá nhập khẩu khoảng 0,8-1 triệu USD, tiếp theo là thịt bò New Zealand, Argentina, Brazil... “Đối tượng chính tiêu thụ sản phẩm thịt bò nhập là các khách sạn và nhà hàng cao cấp, nhưng không lấy hàng thường xuyên và số lượng cũng không nhiều...”, giám đốc một đơn vị kinh doanh sản phẩm bò nhập nói.Theo một giám đốc công ty kinh doanh thực phẩm, với thuế nhập khẩu là 20%, giá bán sỉ thịt bò Mỹ lên tới 270.000 đồng/kg. Tương tự, các loại thịt bò Úc và Argentina cũng lên tới 150.000-200.000 đồng/kg. Giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng sẽ cao hơn vì mức lãi của các nhà kinh doanh sản phẩm thịt đông lạnh lên tới 30-50% so với giá đầu vào.
Sản phẩm ngoại khó chen chân
Theo cam kết của VN với WTO, lộ trình giảm thuế nhập khẩu như sau: sau năm năm, thuế nhập khẩu đối với thịt bò từ 20% xuống còn 14%, thịt heo từ 30% còn 15%. “Với mức thuế này, khó có khả năng thịt bò và heo ngoại tràn vào VN” - ông Văn Đức Mười, phó giám đốc Vissan, khẳng định.
Theo ông Mười, cho đến thời điểm này mức thuế nhập khẩu thịt heo của các nước trong khu vực châu Á theo cam kết của AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN) chỉ còn 5%, chưa kể một số nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan có ngành chăn nuôi heo và giá thịt heo tương đương VN nhưng sản phẩm vẫn chưa vào được.
Một trong những lý do mà sản phẩm thịt heo trong khu vực vẫn chưa vào được VN, theo ông Mười, là do những rào cản kỹ thuật. Hầu hết các nước trong khu vực châu Á hiện đang vướng phải dịch bệnh trên gia súc, trong khi tiêu chuẩn bắt buộc đối với sản phẩm thực phẩm nhập khẩu là phải đảm bảo yếu tố chất lượng và sạch bệnh. Tuy nhiên, “nếu loại trừ các yếu tố này, thịt heo các nước cũng khó vào VN do giá trong nước hiện đang đứng ở mức khá thấp...” - ông Mười nói.
Trong khi đó, một số nhà kinh doanh thực phẩm cho rằng giá thịt bò nhập khẩu có thể giảm do giảm thuế nhưng vẫn còn khá cao, như thịt bò Mỹ vào VN cũng lên đến 250.000 đồng/kg, cao gấp 3-5 lần giá thịt bò nội địa.
Ngoài ra, theo các nhà kinh doanh thực phẩm, mặc dù VN đang thiếu thịt bò trầm trọng nhưng loại sản phẩm này chưa được xem là nhu cầu thiết yếu. Tại thị trường TP.HCM, nhu cầu tiêu thụ heo khoảng 9.000 con/ngày, trong khi số lượng bò chỉ khoảng 500-600 con/ngày. “Thịt bò chủ yếu được sử dụng vào món xào trong các bữa ăn gia đình, nhưng nó có thể được thay thế bằng các loại thủy hải sản khác nên người tiêu dùng không nhất thiết phải mua thịt bò với giá cao...”, một doanh nghiệp khẳng định. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nội địa hiện vẫn còn giữ thói quen sử dụng sản phẩm tươi thay vì hàng đông lạnh, cũng là nguyên nhân khiến thịt ngoại khó chen chân tại thị trường VN.