Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực phẩm nhập khẩu: Việt Nam không kiểm tra chất PCB
12 | 12 | 2008
Vừa qua, cơ quan Thực phẩm và an toàn của Ireland (FSAI), phát đi thông báo thịt heo của nước này bị nhiễm hoá chất polychlorinated biphenyl (PCB) có khả năng gây tích tụ và ngộ độc và đã được xuất khẩu đến 25 nước, trong đó có Anh, Nhật Bản, Đức, Nga, Pháp và Mỹ. Hàng loạt các quốc gia như Nhật Bản, Thuỵ Điển, Bỉ, Pháp, Hà Lan… ngay lập tức đã có phản ứng tạm dừng nhập khẩu thịt heo từ Ireland, đồng thời thu hồi những lô hàng đã trót nhập vào và đưa ra khuyến cao người dân tránh xa nguồn thực phẩm này.
Thịt heo nhập khẩu vào thời gian thịt heo trong nước khan hiếm. Ảnh: Lê Quang Nhật

Chiều 11.11, trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Xuân Bình, phó giám đốc trung tâm Thú y vùng TP.HCM (vùng VI), đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng nguồn thực phẩm nhập khẩu qua cảng TP.HCM, khẳng định “Việt Nam không nhập thịt heo của Ireland mà chủ yếu từ các nước như Mỹ, Brazil, Úc và Đức”. Theo ông Bình, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp nhập về qua cảng TP.HCM 10.584 tấn thịt heo đông lạnh, được kiểm tra vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định. Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngoài thịt heo, một số loại thực phẩm nhập khẩu khác như gia cầm, thịt bò, cừu, các loại thuỷ sản (đầu cá hồi, sa ba…), cơ quan chức năng chỉ kiểm tra đối với một số vi khuẩn gây bệnh như: salmonella, E. coli... chứ hoàn toàn không có PCB. Trả lời vấn đề này, ông Bùi Quang Anh, cục trưởng cục Thú y (bộ NN&PTNT) thừa nhận: tiêu chuẩn Việt Nam không quy định ngành thú y kiểm tra chất PCB trong thực phẩm nhập khẩu nên chất này không được đưa vào danh mục lấy mẫu xét nghiệm bắt buộc. “Hơn nữa, đến nay các phòng phân tích do bộ Nông nghiệp quản lý chưa trang bị thiết bị xét nghiệm chất PCB trong thực phẩm, kể cả nguyên liệu thức ăn” – ông Anh nói thêm, đồng thời thông tin sắp tới bộ sẽ trang bị thêm thiết bị chiếu xạ, lúc đó mới có thể đủ năng lực kiểm tra PCB.

Theo ông Bùi Quang Anh, mấy năm trước, do giá thịt heo trong nước quá cao nên một số doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm trong nước tìm nguồn heo nhập từ một số nước châu Âu, Mỹ có giá “mềm” hơn. Tuy nhiên, qua năm 2008, do giá heo trong nước giảm mạnh, nhất là vào thời điểm những tháng cuối năm nên số lượng nhập về không đáng kể. Ông Văn Đức Mười, phó tổng giám đốc công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan, đơn vị sử dụng thịt heo đông lạnh nhập khẩu chế biến xúc xích cho biết, Vissan không đứng ra nhập khẩu trực tiếp mà mua lại của một số công ty trung gian ở Việt Nam, nguồn gốc thịt chủ yếu từ Mỹ hoặc Brazil chứ không phải Ireland. “Vissan đã chuẩn bị đủ lượng thịt heo dự trữ tết Nguyên đán, kể cả cho thị trường sau tết nên thời điểm này chúng tôi không sử dụng thịt nhập khẩu” – ông Mười nêu rõ.

Qua trao đổi, một số doanh nghiệp chuyên nhập khẩu thịt heo cũng tiết lộ: thời điểm này, thịt heo ngoại không có “cửa” chen chân vì giá trong nước xuống quá thấp. “Nhiều nhà nhập khẩu còn tồn lượng lớn thịt heo đông lạnh nhập về từ tháng 5.2008, họ đang bán tháo hàng, thấp hơn giá thị trường do không thể cạnh tranh được với giá trong nước”, ông Văn Đức Mười cho biết thêm.

Theo tính toán từ giới nhập khẩu, giá thịt heo ở Mỹ, Brazil… hiện nay vào khoảng 18.000đ/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển, thuế nhập khẩu 27% và các chi phí khác cho ra giá thành khoảng trên dưới 60.000đ/kg, gần ngay bằng với thịt heo ba rọi trong nước.

Hoàng Bảy

PCB tác hại như thế nào?

Vào ngày 6.12 vừa qua, các nguồn tin từ Ireland cho hay mức độ nhiễm PCB trong các sản phẩm từ heo cao gấp từ 80 – 200 lần hạn định an toàn EU cho phép (0,12 – 0,3 phần triệu – ppb).

Brendan Smith, bộ trưởng Nông ngư nghiệp và thực phẩm, cho biết heo nhiễm PCB từ nguồn thức ăn. Và đã có thêm 38 trang trại bò sử dụng nguồn thức ăn ô nhiễm này, và đã bị cách ly, nên thịt bò không vào được dây chuyền thực phẩm.

Nhưng mức độ nhiễm nói trên vẫn thấp so với một số tai nạn nhiễm PCB khác, trong đó có vụ nhiễm PCB trong sữa những người mẹ khoẻ mạnh năm 1986 tại Mỹ dao động từ 1020 đến 1770 ppb, và vụ PCB nhiễm trong dầu cám gạo gây ngộ độc tập thể tại Ngọc Thành, Đài Loan dao động từ 53.000 đến 99.000 ppb.

PCB là một hoạt chất hữu cơ được dùng dung dịch điện môi trong máy biến thế và tụ điện, chất làm lạnh, dầu nhờn, gia chất ổn định trong các lớp vỏ bọc nhựa dây điện và phụ tùng điện, chất giữ bền các loại thuốc trừ sâu, v.v.

PCB bị cấm sản xuất từ những năm 1970 do nồng độ độc hại cao, được xếp vào loại chất hữu cơ gây ô nhiễm bền và tích tụ trong cơ thể động vật bị nhiễm.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường