Trời vừa tảng sáng trước nhà văn hóa xã Vĩnh Khánh, huyện Thoại Sơn, An Giang - nơi diễn ra hội thảo, hơn 200 nông dân ở các tỉnh ĐBSCL đã tề tựu đông đủ. Mệt mỏi đường xa nhưng bà con rất chịu khó chờ đợi tham khảo hết những bộ lúa giống mà “4 nhà” vừa bắt tay sản xuất trong vụ hè thu này. Ngoài 4 nhà phải kể thêm cả nhà cơ khí đã mang đến trình diễn máy gặt đập liên hợp, máy cày. Bác Nguyễn Văn Dơn đến từ ấp Hiệp Thành, xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất – Kiên Giang bộc bạch: Tôi làm 2,5 ha lúa nhưng rất bị động mỗi khi tìm giống lúa cho vụ sau. Năng suất lúa hàng hóa của tôi làm thường đạt từ 5,8-6,2 tấn/ha, đến tham quan cách làm này để học hỏi thêm.
Nhà nông Phan Văn Dự, ở xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn, An Giang cho biết: Tôi nhận làm vệ tinh sản xuất lúa giống nguyên chủng OM 6162 cho Cty Vĩnh Lợi 1,5 ha. Một năm làm 3 vụ ký hợp đồng cung ứng lúa giống cho Cty. Vụ hè thu này năng suất đạt trên 5 tấn/ha, trừ hết chi phí lãi cao hơn 25% so với bán giá ngoài thị trường. Sản xuất lúa cho Cty, sẽ nhận được chế độ ưu đãi là có cán bộ của Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ kỹ thuật. Ngoài ra, Cty còn cung cấp phân, thuốc đến cuối vụ mới thanh toán.
Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhận xét: Công tác xã hội hóa lúa giống của An Giang đã đáp ứng gần như đầy đủ nhu cầu lúa chất lượng cao trong tỉnh. Kèm theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” là phải sử dụng giống tốt thì công tác sản xuất lúa giống rất có ý nghĩa.
Đến nay, tại An Giang đã hình thành hàng chục HTX và Cty sản xuất lúa giống, cung cấp lúa giống cho bà con nông dân trong và ngoài tỉnh. Cách làm của Cty TNHH Vĩnh Lợi (Chợ Mới – An Giang) và một số Cty trên địa bàn liên kết với các tổ nhân giống là cách làm rất hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Tam, Chủ tịch Hội đồng thành viên - Cty TNHH Vĩnh Lợi cho biết: Nhận ra cơ hội người An Giang đã có tay nghề làm lúa giống nên Vĩnh Lợi quyết định “bắt tay”. Được sự hỗ trợ nhiệt tình của Viện Lúa ĐBSCL, UBND huyện Thoại Sơn và nông dân giỏi chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư. Đến nay, Cty Vĩnh Lợi đã ký hợp đồng với nông dân ở hai tỉnh An Giang và Kiên Giang sản xuất lúa giống được trên 130 ha. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2010 sẽ mở rộng diện tích lên 500 ha ở một số tỉnh khác trong khu vực. Những hộ làm vệ tinh nhân lúa giống cho Cty sẽ tăng lợi nhuận 25% so làm thông thường. Cách làm này thấy hiệu quả nên các ngành chức năng ở tỉnh An Giang rất ủng hộ.
PGS-TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Hàng năm ĐBSCL cần trên 600 ngàn tấn lúa giống. Hiện nay nhu cầu lúa giống rất lớn nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 30% giống cấp xác nhận và tương đương cấp xác nhận. Lúa cấp xác nhận chính quy có cấp chứng chỉ hẳn hoi khoảng 10%, 20% giống tương đương cấp xác nhận, 70% còn lại là nông dân tự để giống hoặc là trao đổi. Vì vậy chất lượng hạt giống không được đảm bảo. Vì vậy cần có sự liên kết 4 nhà để xã hội hóa công việc sản xuất giống. Ở đây vai trò của doanh nghiệp rất quan trọng. Nếu có 300 doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ như vậy có thể đáp ứng được khoảng 600 ngàn tấn lúa giống cho cả ĐBSCL.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)