Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cà phê: Bài học cũ vẫn còn mới
20 | 11 | 2009
Giới kinh doanh cà phê trong nước được một phen méo mặt khi mà đầu niên vụ 2009-2010, trong phiên giao dịch tối 11-11, chỉ trong một đêm, giá cà phê thế giới đột ngột giảm mạnh nhất trong vòng nửa năm qua, gần 100 đô la Mỹ/tấn, từ 1.400 xuống còn 1.300 đô la Mỹ/tấn cà phê robusta. Nhưng vài phiên giao dịch sau đó, hôm 17-11 lại đột ngột tăng 33 đô la Mỹ cũng chỉ trong 1 đêm.

Giá cà phê thế giới đầu niên vụ biến động bất thường khiến không ít các nhà xuất khẩu lo ngại lặp lại tình trạng tương tự như niên vụ 2008-2009. Vào đầu vụ (tháng 10-2008) nông dân và doanh nghiệp trong nước lao đao bởi giá cà phê thế giới tụt giảm mạnh; sau đó phục hồi dần nhưng rồi tháng 6 năm nay, lại bất ngờ giảm tới mức nhiều doanh nghiệp than vãn thua lỗ hàng chục tỉ đồng.

Liên kết

Hồi tháng 8 năm nay tại TPHCM, khi Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) ra mắt Câu lạc bộ các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã xuất hiện không ít lời ra tiếng vào trong giới kinh doanh cà phê. Cái lý của những doanh nghiệp không tham gia câu lạc bộ là giới kinh doanh cà phê đã có hiệp hội để tìm tiếng nói chung, đoàn kết trong mua bán quốc tế thì sao lại có thêm câu lạc bộ? Nay thì tình hình giá cả diễn biến bất thường mới thấy rõ vai trò của hiệp hội và câu lạc bộ.

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho biết, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu trong câu bộ mới đây đã họp bất thường để bàn giải pháp thu mua cà phê trong nước trong niên vụ 2009-2010 và đối phó với tình hình biến động bất thường của giá cà phê thế giới.

Các tỉnh Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của Việt Nam hiện đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ cà phê 2009-2010 (niên vụ cà phê Việt Nam bắt đầu từ tháng 10 cho tới hết tháng 9 năm sau). Vicofa nhận định không lạc quan lắm khi cho rằng sản lượng cà phê niên vụ mới giảm 20-35% so vụ trước, do thời tiết không thuận lợi, cộng với diện tích cà phê già cỗi tăng cao, khiến năng suất giảm mạnh.

Nhưng điều làm các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lo ngại không phải là sản luợng thu hoạch giảm, mà là trong tháng 11 này, giá cà phê giao dịch trên thị trường thế giới trồi sụt thất thường. Nên nhớ, giá cà phê trong nước gần như liên thông với giá cà phê thế giới nên sau khi giá thế giới chỉ trong đêm 11-11 giảm gần 100 đô la Mỹ/tấn thì trong nước, giá cà phê nông dân bán ra từ 24.000 đồng/kg cũng giảm xuống còn 22.700 đồng/kg, được xem là giảm mạnh nhất trong vòng nửa năm qua.

Hiện tại, giá cà phê hồi phục nhẹ nhưng vẫn còn ở mức thấp so với đầu tháng 11. Hiện giá FOB tại cảng TPHCM hôm nay, 19-11 đạt 1.254 đô la Mỹ/tấn, tương ứng với giá trong nước 24.000-24.500 đồng/kg.

Ông Tự cho biết phương án mà các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu đưa ra là sẽ tập trung xuất khẩu theo phương thức giao ngay, kiên quyết không bán theo phương thức trừ lùi (kỳ hạn), vì bán trừ lùi sẽ gặp rủi ro cao mà thực tế đã các doanh nghiệp đã có bài học kinh nghiệm hồi tháng 6 năm nay. Lúc đó doanh nghiệp nào ký hợp đồng bán cà phê giao xa thì bị thiệt hại nặng.

Bây giờ đầu vụ, cà phê thu hoạch nhiều nên các doanh nghiệp thường có tâm lý ký bán nhiều để quay nhanh đồng vốn cho thu mua trong nước, nên Vicofa khuyến cáo hạn chế tối đa việc bán hàng quá nhiều lúc này, dễ dẫn đến giá thấp và khó khăn trong việc chế biến, vận chuyển.

Khó được hỗ trợ

Gần chục năm qua các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu theo phương thức giao xa. Đây là phương thức mà bên mua và bán chỉ thống nhất về sản lượng mua bán, còn giá cả thì dựa vào giá cà phê giao dịch ở thị trường London vào thời điểm giao hàng và trừ lùi một mức nào đó.

Điều này có nghĩa cà phê xuất khẩu của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào giá giao dịch ở thị trường London, nơi cà phê trở thành một hàng hóa phái sinh, hay nói theo kiểu Việt Nam là giao dịch cà phê giấy, tương tự như giao dịch vàng trên tài khoản ở Việt Nam hiện nay.

Theo Vicofa, trong niên vụ vừa qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,15 triệu tấn với kim ngạch 1,75 tỉ đô la Mỹ, tăng tới 15% về sản lượng nhưng kim ngạch lại sụt giảm 19% mà theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex TPHCM, một nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu, mỗi tấn cà phê xuất khẩu trong niên vụ 2008-2009 bị mất 350 đô la Mỹ so với niên vụ trước đó.

Phải nói rằng niên vụ cà phê 2008-2009 được xem là “được mùa mất giá” khi sản lượng tăng cao, cà phê của Lào nhập vào Việt Nam rồi sau đó tái xuất nhưng giá cả lại giảm, thậm chí biến động bất thường nằm ngoài dự đoán của các doanh nghiệp.

Có thể các nhà xuất khẩu cà phê vịn vào lý do giá cà phê giảm là do khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu như bao mặt hàng nông sản khác, nhưng sở dĩ ngành cà phê trong nước bị thiệt hại nặng còn chính do yếu kém nội tại bộc lộ khi thị trường có biến động. Vào đầu vụ, doanh nghiệp ồ ạt mua của nông dân rồi xuất khẩu nhiều nên không giữ được giá, và các nhà nhập khẩu cũng thừa khôn ngoan để biết doanh nghiệp Việt Nam có thói quen cố hữu này để ép giá.

Nhưng cũng không thể đổ lỗi cho doanh nghiệp cà phê vốn yếu về tiềm lực tài chính, kho bãi để găm giữ cà phê và xuất khẩu rải đều, mà còn từ phía nông dân. Nông dân khi thu hoạch cà phê đầu vụ thường muốn bán nhanh để thu tiền ngay, trang trải chi phí đầu tư và sinh hoạt cho gia đình. Do vậy, vấn đề lớn mà Vicofa đưa ra là cần có chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhận ký gửi cà phê của nông dân lúc đầu vụ thu hoạch khoảng 200.000 tấn để sau đó có quyền lựa chọn thời điểm có giá tốt để bán ra - một hình thức như các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi để mua lúa gạo tạm trữ gần 1 triệu tấn trong mấy tháng qua.

Thế nhưng, một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho rằng rất khó thực hiện được hình thức này, bởi gạo được quan tâm của Chính phủ, có liên quan tới an ninh lương thực quốc gia và hàng triệu hộ nông dân trồng lúa lẫn tác động tới chỉ số giá trong nước, trong khi cà phê thì không. Hơn nữa, thị trường cà phê vốn biến động phức tạp hơn gạo (ở các thị trường giao dịch hàng hóa, cà phê trở thành một hàng hóa phái sinh), nhiều doanh nghiệp cà phê bị thua lỗ trong các năm trước, rồi vay vốn đầu tư cho nhà máy, vay vốn cung ứng cho đại lý thu mua chưa trả được nợ cho ngân hàng nên ngân hàng cũng ngại bơm vốn cho doanh nghiệp cà phê.

Do vậy, dù Vicofa đã có văn bản kiến nghị Chính phủ từ lâu về chính sách cho vay vốn mua cà phê tạm trữ bằng hình thức cho nông dân ký gửi nhưng đến nay vẫn chưa thấy tín hiệu phản hồi.



Theo TBKTSG Online
Báo cáo phân tích thị trường