Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không có chuyện khan hiếm gạo
01 | 12 | 2009
Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân, xuất khẩu có hiệu quả và không gây đột biến về giá.

Ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực thành phố Hồ Chí Minh cho biết không có chuyện thành phố khan hiếm gạo như một số thông tin đồn thổi. Hiện công ty đang huy động mọi nguồn lực để cung cấp đầy đủ nguồn gạo cho thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến hết Tết Nguyên đán.

Theo ông Thành, thông tin thành phố Hồ Chí Minh khan hiếm gạo xuất phát từ các chợ bán lẻ như Rạch Ông, Phạm Thế Hiển (quận 8), An Lạc (quận 6)... Thực tế, những ngày cuối tuần, ở một số điểm kinh doanh gạo tại thành phố  xảy ra tình trạng tăng giá ở một số mặt hàng gạo với mức tăng 500 đồng đến 1.000 đồng/kg. Tuy nhiên, việc tăng giá không phải do nguồn cung khan hiếm mà chủ yếu do giới tiểu thương mua đi bán lại, đẩy giá lên cao.

Trước tình trạng này, Công ty Lương thực thành phố Hồ Chí Minh quyết định giảm giá đồng loạt một số mặt hàng gạo tại 40 cửa hàng thương hiệu Foocomart của công ty tại thành phố. Công ty và Sở Công thương thành phố còn ra thông báo ai có nhu cầu về gạo cứ điện thoại tới, công ty sẽ đáp ứng đầy đủ.

Cũng liên quan đến giá lúa gạo, sau 2 ngày sụt giá đột ngột, hôm qua (30/11) giá lúa gạo ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trở lại nhưng nông dân không còn nhiều lúa để bán.

Tại Sóc Trăng, Hậu Giang và Bạc Liêu, nông dân bán lúa dài thường phơi khô giá từ 6.000 đến 6.100 đồng/kg, tăng 400 đến 500 đồng/kg so với 2 ngày trước. Lúa tài nguyên và một số giống lúa thơm từ mức 6.800 đồng/kg tăng lên 7.000 đến 7.200 đồng/kg. Giá gạo dài thường tại Sóc Trăng và Bạc Liêu tăng từ 8.000 đồng/kg lên 8.500 đồng đến 8.600 đồng/kg.

Trước diễn biến thị trường lúa gạo, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân, xuất khẩu có hiệu quả và không gây đột biến về giá.

Theo Công văn số 2328, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Tổ điều hành thị trường trong nước, tổ điều hành xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi diễn biến thị trường trong nước và thế giới, kịp thời kiến nghị những biện pháp can thiệp phù hợp với cơ chế thị trường, để vừa tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân, vừa xuất khẩu có hiệu quả và không gây đột biến về giá.

Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính đến cuối tháng 9 vừa qua, khối lượng gạo xuất khẩu của nước ta gần đích 5 triệu tấn, đạt hơn 2 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục rất đáng mừng cho ngành xuất khẩu gạo. Việc rà soát, đánh giá lại cân đối cung cầu lương thực đến vụ đông xuân 2009-2010 sẽ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện. Trong đó bao gồm nội dung quan trọng là Bộ phải xác định lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ còn lại trong dân, để làm cơ sở định hướng các doanh nghiệp thương thảo, ký kết hợp đồng và giao hàng trong những tháng cuối năm 2009 và quý 1/2010.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm soát giá cả lương thực theo quy định quản lý hàng hóa thuộc diện bình ổn giá. Thủ tướng lưu ý Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần nắm chắc tình hình diễn biến giá cả thị trường lúa gạo trên địa bàn mình quản lý. Đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh lương thực trên địa bàn phải thường xuyên duy trì lượng gạo dự trữ lưu thông theo quy định, sẵn sàng tham gia thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân. Kiên quyết không để có hành vi đầu cơ, gây đột biến giá trên thị trường.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam thống nhất với các thành viên của Hiệp hội công bố công khai về giá cả xuất khẩu, thời điểm giao hàng để đảm bảo việc xuất khẩu đạt hiệu quả; phối hợp với Uỷ ban nhân dân các địa phương có kế hoạch và giải pháp cụ thể tham gia kinh doanh lương thực trong nước bảo đảm bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.



Theo VOVNEWS
Báo cáo phân tích thị trường