Đây là một trong rất nhiều thủ thuật móc túi người tiêu dùng của các thương lái trong làng gạo.
Trong vai người đang muốn mở một đại lý gạo tại TP HCM, được giới thiệu với một chủ đại lý gạo tên Bình, tại đường Khuông Việt, quận 11 (TP HCM),chúng tôi đã phát hiện nhiều chiêu “làm giá” gạo.
"Độ" gạo
Chủ đại lý Bình cho biết, trên thị trường chỉ có khoảng hơn chục loại gạo, thế nhưng các đại lý trưng biển bán tới hơn 30 sản phẩm. Thủ thuật “độ” gạo có thể tiến hành ở nhiều khâu, và bằng nhiều cách khác nhau. Mỗi loại gạo độ ra được dân buôn gạo gọi là “số”.
Gạo đưa từ các tỉnh ĐBSCL về các vựa lớn tại TP HCM sẽ được lau bóng, lau lớp một thành gạo số 1, lớp hai thành gạo số 2… Gạo càng trắng, càng bắt mắt, giá bán càng cao. Không những thế, một số loại gạo giá rẻ có hình dạng giống những loại gạo cao cấp sẽ được “xử lý”, rồi pha trộn mà chỉ có dân trong nghề mới phân biệt được.
Vì thế, cùng là một loại gạo, chất lượng không chênh nhau nhưng lại có nhiều tên gọi. Chẳng hạn, cùng dòng gạo Đài Loan, các đại lý tự phân thành "Đài Loan đặc biệt", "Thơm Đài Loan", "Thơm Đài Loan xuất khẩu"… Mỗi tên gọi là một mức giá, có thể chênh lệch từ 1.000 đến 3.000 đồng một kg. Nhờ vậy, mỗi bao gạo (trung bình 25kg), đại lý có thể thu lãi từ 25.000 đến 70.000 đồng.
Một chiêu khác nữa của dân “lái gạo” là đánh vào tâm lý thích hàng “cao cấp” của tầng lớp người tiêu dùng có thu nhập cao khi gạo được gán mác ngoại hàng loạt, như "Lài Miên", "Lài Mỹ", "Thơm Nhật… Đặc biệt, gạo Lài Mỹ được đồn thổi "có một không hai, nấu thành cơm có thể để hai ngày mà chất lượng không thay đổi, cơm ăn chỉ cần trộn nước mắm cũng ngon"… Loại gạo này giá cao ngất, từ 35.000 đến 40.000 một kg nhưng các đại lý cho biết, không đủ hàng bán.
Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn gốc của những loại gạo đặc sản đó vẫn chưa có ai đứng ra kiểm định. Ngay đến loại gạo thơm Nhật, được xem là giá cao nhất ở các đại lý hiện nay (17.000 – 19.000 đồng một kg) nhưng theo chủ đại lý Bình, chỉ ở một số siêu thị lớn mới có hàng “xịn”, còn ở các đại lý là “hàng độ”…
“Gạo nhà giá rẻ”
Cách đây vừa tròn năm, sau trận sốt gạo lịch sử, hàng đoàn xe tải chở gạo lớn nhỏ đổ về các ngả đường Sài Gòn, nhiều người tưởng là nông dân miền Tây mang gạo nhà đi bán rẻ nên đổ xô mua. Thế nhưng theo dân trong nghề, đó thực ra đó là “chiêu” của các thương lái, còn gạo của nông dân thực thụ mang đi bán chiếm không đầy 1%.
Hầu hết dân buôn gạo tại Sài Gòn đều khẳng định, thời điểm đó, mặt hàng này đang tụt giá nên nếu đánh xe về miền Tây “ăn” gạo sẽ chẳng có lời. Toàn bộ lượng gạo bán vệ đường khi đó đều do các chủ đại lý trong TP HCM lấy ở các kho gạo quận 8, Hóc Môn… ra bán. Và với chiêu bài “em ở miền Tây, phải gửi con cái cho người thân để thuê xe mang gạo lên bán…”, có ngày một đại lý di động như vậy bán cả chục tấn gạo. Các chủ hàng nhẹ nhàng bỏ túi một vài chục triệu đồng, vì ngoài tiền xăng chạy quanh mấy tuyến đường trong nội thành, không tốn thêm bất cứ một chi phí nào khác.
Có lẽ thấy rõ việc bán gạo trên xe tải, ở những khu đất trống tại các quận huyện có thể tiết kiệm tiền thuê mặt bằng, lại có thể linh động trong việc tìm kiếm những vùng có nhiều khách hàng mới… Hỏi chuyện chủ hàng tên Minh, đậu xe bán gạo ngay cổng làng trẻ em SOS Gò Vấp, chủ hàng này cho biết, bán cả năm nay, gần đây mới mất thêm khoản phí “bao điểm”, mỗi tháng vài trăm nghìn đồng, chẳng “nhằm nhò” gì so với việc bỏ cả chục triệu đồng thuê mặt bằng làm đại lý…
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, Tổng công ty lương thực miền Nam (Vietfood II) thiết lập cả một hệ thống phân phối, bán lẻ gạo tại thị trường phía Nam. Thế nhưng những cửa hàng này luôn trong tình trạng bù lỗ, vì không cạnh tranh nổi với các đại lý của tư nhân. Thêm vào đó các cửa hàng của Vietfood II hàng tháng vẫn phải cõng hàng loạt các khoản phí về thuế hay thuê mặt bằng…