"Ẩn số" gạo Thái
Trong khi có một số thông tin cho rằng giá lúa gạo sẽ tăng cao ở những tháng cuối năm thì cũng có ý kiến nhận định giá lúa gạo sẽ ổn định, không tăng cao đột biến. Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong cho biết các doanh nghiệp lúa gạo trong nước đảm bảo từ nay đến cuối năm sẽ không để xảy ra sốt giá gạo hay thiếu gạo.
Sở dĩ ông Phong có thể “mạnh miệng” tuyên bố sẽ không sốt giá gạo ở những tháng cuối năm, trong điều kiện giá lúa gạo thị trường khu vực có xu hướng tăng cao là vì số lượng hợp đồng mà VFA đã ký với các đối tác đến thời điểm này đạt gần 7 triệu tấn - ngang với mục tiêu số lượng gạo mà Việt Nam dự kiến xuất khẩu trong năm nay.
VFA cho biết đến cuối tháng 8, Việt Nam đã ký hợp đồng với các đối tác được tổng cộng gần 6,4 triệu tấn gạo, riêng trong tháng 9 này, Việt Nam cũng vừa giành được hợp đồng xuất khẩu 400.000 tấn gạo 15% sang Indonesia. Đây chỉ là số lượng hợp đồng đã được công bố, còn thực tế có lẽ đã vượt 7 triệu tấn.
Số lượng hợp đồng mà Việt Nam đã ký với các đối tác nằm trong khoảng thời gian từ giữa tháng 9 trở về trước, điều này có nghĩa giá xuất khẩu của Việt Nam cũng chỉ từ 580 đô la/tấn gạo trở xuống.
Khi người viết đưa ra những dẫn chứng nêu trên trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa khu vực chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang và các doanh nghiệp tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy cũng ở Tiền Giang. Các doanh nghiệp này nói: “Hèn chi, đầu tháng 9 rồi VFA lại hạ giá xuất khẩu, có lẽ đây là “chiêu” để các doanh nghiệp hội viên VFA giảm giá thu mua xuống để gom hàng trữ vào kho chờ xuất khẩu”.
Nếu như không có đột biến gì khác xảy ra thì “kịch bản” mà VFA đã vạch ra sẽ trái với nhận định của các chuyên gia ngành lúa gạo trong và ngoài nước rằng giá lúa gạo khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam sẽ lên cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.
Bện cạnh tuyên bố của một số lãnh đạo VFA là sẽ không sốt giá gạo, một số nhận định khác của các nhà phân tích lại nói giá lúa gạo Việt Nam sẽ tăng cao từ nay đến cuối năm.
Dẫn chứng được đưa ra là, một khi bà Yingluck Shinawatra, thủ tướng Thái Lan thực hiện lời hứa mua lúa của nông dân nước này theo cam kết với giá 15.000 baht/tấn sẽ có tác động đến giá xuất khẩu gạo của các nước trong khu vực theo chiều hướng tăng lên, trong đó có Việt Nam, dẫn đến giá nội địa ở những nước này chịu tác động tăng lên.
Bên cạnh đó, một dẫn chứng khác cũng được nêu ra là, khi giá lúa, gạo của Thái Lan tăng lên, các nhà đầu cơ nước này sẽ tranh thủ cơ hội tìm đến lúa gạo của Việt Nam, Campuchia với giá rẻ hơn để đem về nước bán chốt lời. Điều này là cơ sở để nhiều chuyên gia lúa gạo khẳng định giá lúa gạo Việt Nam, Campuchia sẽ tăng lên theo đà tăng của giá lúa gạo Thái.
Lúa gạo nội địa tăng dần
Từ khi có thông tin chính phủ Thái Lan thực hiện mua lúa trong dân với giá 15.000 baht/tấn, rồi thông tin các nhà xuất khẩu Thái cùng với VFA bắt tay bàn thảo chiến lược giá gạo, các nhà kinh doanh lúa gạo lẫn thương lái trong nước hết ngóng rồi chờ giá tăng.
Tuy nhiên, đến nay, giá lúa gạo thị trường trong nước vẫn không có gì gọi là đột biến, thậm chí, một vài thời điểm nông dân còn bấm bụng bán giá rẻ vì giá lúa gạo tuột dốc.
Bà con nông dân tại Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang cho biết, so với mức giá ngày 20/9, giá lúa gạo các tỉnh ĐBSCL tuần này tiếp tục tăng nhẹ, từ 50 - 100 đồng/kg. Đối với lúa IR 50404, từ ngày 20/9 đến nay vẫn đứng giá, cụ thể IR 50404 tươi vẫn giữ ở mức giá 5.750 - 5.900 đồng/kg (tùy địa phương); IR 50404 khô cũng tiếp tục ổn định và dao động trong khoảng 6.400 - 6.750 đồng/kg.
Riêng đối với các loại lúa hạt dài, hiện tiếp tục tăng nhẹ từ 50 -100 đồng/kg (tùy loại) so với mức giá ngày 20/9. Các giống lúa OM 5451, OM 4218, OM 1490 có giá dao động từ 6.800 - 6.900 đồng/kg; Đặc biệt, đối với các giống lúa thơm nhẹ OM 4900 có giá 6.000 - 6.200 đồng/kg tăng đến 100 đồng/kg.
Về giá gạo, các doanh nghiệp kinh doanh gạo nội địa tại chợ Bà Đắc cho biết, hiện gạo nguyên liệu và thành phẩm tiếp tục nhích nhẹ, từ 50 -100 đồng/kg. Cụ thể gạo nguyên liệu chế biến gạo 5% tấm có giá 9.200-9.250 đồng/kg; gạo nguyên liệu 25% tấm có giá 9.000 - 9.050 đồng/kg.
Giá gạo thành phẩm cũng tăng 100 đồng/kg, lên mức giá 10.950 - 11.050 đồng/kg đối với gạo 5% tấm; gạo 15% tấm tăng lên mức giá 10.600 - 10.700 đồng/kg; 25% tấm là 10.100 - 10.200 đồng/kg.
Theo TBKTSG