Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chính sách xuất - nhập khẩu phục vụ mục tiêu phát triển bền vững
22 | 07 | 2011
Những năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì mức tăng trưởng cao. Tuy nhiên, với nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu thì việc chuyển dịch cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng là cấp thiết, tránh rơi vào "bẫy tự do hóa thương mại".

Những khó khăn nội tại

PGS.TS Trần Công Sách, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, mô hình phát triển xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Tăng trưởng xuất khẩu nhanh hơn tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu nhưng chưa vững chắc. Độ mở của nền kinh tế qua kênh xuất khẩu khá lớn nhưng quy mô xuất khẩu còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người thấp hơn mức bình quân toàn thế giới. Mặc dù đã xây dựng được nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ lực và tạo được một số đột phá tăng trưởng nhưng xuất khẩu vẫn chủ yếu theo chiều rộng, cơ cấu mặt hàng chậm chuyển dịch theo hướng hiệu quả và hiện đại, năng lực cạnh tranh xuất khẩu chậm được nâng lên.

Bên cạnh đó, chất lượng tăng trưởng xuất khẩu thấp, giá trị gia tăng của hàng công nghiệp chế tạo xuất khẩu chỉ đạt khoảng 25-30%, chi phí xuất khẩu của Việt Nam cao gấp 1,7 lần mức trung bình của khu vực. Xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, hệ số tiêu hao nguồn lực cho một đơn vị kim ngạch xuất khẩu cao, tăng trưởng xuất khẩu nhanh đang có nguy cơ dẫn đến cạn kiệt tài nguyên.

Mặt khác, hội nhập quốc tế, các quan hệ song phương và đa phương, bên cạnh những tác động tích cực đến môi trường kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng đang có hiệu ứng không mong muốn, tác động bất lợi đến cán cân thương mại, tiềm ẩn nguy cơ mắc "Bẫy tự do hóa thương mại". Đến nay, Việt Nam đã ký kết 86 hiệp định thương mại song phương, 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 15 nước, 54 hiệp định đánh thuế 2 lần, 61 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương.

Nhiều chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng, xuất khẩu hàng hóa thời kỳ tới của Việt Nam sẽ phải tiếp tục vượt qua những thách thức rất lớn từ trong nội bộ nền kinh tế, nhất là năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu ở cả 4 cấp độ (quốc gia, ngành, doanh nghiệp và sản phẩm); mức độ thâm dụng tài nguyên và hệ số tiêu hao năng lực cho một đơn vị tăng trưởng xuất khẩu còn cao; mức độ phụ thuộc và đầu vào nhập khẩu của sản xuất hàng xuất khẩu còn lớn; khả năng thích ứng của các ngành định hướng xuất khẩu với những biến động của thị trường thế giới còn chậm.

 

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo PGS.TS Trần Công Sách, trong thời gian tới, xuất khẩu hàng hóa cần được tổ chức theo định hướng sau: Phát triển xuất khẩu hàng hóa nhanh nhưng có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tính bền vững, tạo động lực tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế. Tập trung nguồn lực thực hiện thành công một số đột phá chất lượng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xuất khẩu để đạt được một số chỉ tiêu chủ yếu vào năm 2020 như tỷ lệ hàng chế biến, chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 87%, tăng 17% so với năm 2010. Hơn nữa, theo phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, cần phải có định hướng phân kỳ xuất khẩu. Theo đó, giai đoạn 2011-2015, tập trung phát triển xuất khẩu hàng hóa giữa chiều rộng và chiều sâu phù hợp với các bước chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất. Trong điều kiện và bối cảnh thực tại, nhiều khả năng tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 chỉ đạt tốc độ 12-13%/năm. Giai đoạn 2016-2020, tạo bước chuyển mạnh mẽ từ phát triển xuất khẩu theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và hiệu quả xuất khẩu.

Bên cạnh đó, phải xây dựng định hướng phát triển nguồn hàng chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu. Giảm khối lượng xuất khẩu khoáng sản thô. Khai thác lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới và đa dạng sinh học. Khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu đa dạng, nguồn lao động dồi dào để phát triển sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo và sản phẩm thủ công mỹ nghệ.

Ngoài ra, định hướng phát triển thị trường và điều chỉnh cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng cần được chú trọng để tạo bước chuyển cơ bản từ xuất FOB (xuất tại cảng) sang xuất CIF (giao hàng theo điều kiện), phát triển nhanh hệ thống phân phối trực tiếp hàng Việt Nam trên các thị trường trọng điểm gắn với đẩy mạnh sự tham gia vào mạng sản xuất, các chuỗi giá trị toàn cầu theo từng ngành sản phẩm xuất khẩu chủ lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, việc phát triển xuất-nhập khẩu theo yêu cầu bền vững đòi hỏi Việt Nam cần có những chính sách đúng đắn và phù hợp, được xây dựng trên cơ sở khoa học, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế, xã hội, môi trường. Vì vậy cần có các tiêu chí khoa học để định hướng, xây dựng, kiểm định làm căn cứ cho các chính sách xuất-nhập khẩu theo hướng phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Kinh tế nông thôn



Báo cáo phân tích thị trường