Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản xuất khẩu sắp phải khai báo nguồn gốc: Doanh nghiệp lo, ngư dân hoảng!
04 | 12 | 2009
Chỉ còn hơn 20 ngày nữa, ngày 1-1-2010, EU sẽ áp dụng truy xuất nguồn gốc thủy sản sang cộng đồng này với yêu cầu nghiêm ngặt là tất cả các lô hàng khai thác phải có chứng nhận tên tàu và vùng biển đánh bắt. Những khó khăn đang hiện hữu.

Điều này buộc ngành thủy sản, các doanh nghiệp và ngư dân phải ngồi lại với nhau tìm giải pháp trong hội thảo hôm qua tại Hà Nội.


Ngư dân lo lắng

Báo cáo tại hội thảo, ngành thủy sản cho biết, EU hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của thủy sản Việt Nam, chiếm 26-30% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản nước ta. Vì thế, khi EU áp dụng hệ thống trong cộng đồng nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xóa bỏ các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Luật IUU), ngành thủy sản nước ta chịu nhiều ảnh hưởng.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Trưởng phòng Quản lý Khai thác Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo Luật IUU, khi nhập khẩu thủy sản vào EU phải có giấy chứng nhận nguồn gốc khai thác, cơ chế này áp dụng cho tất cả sản phẩm chế biến hoặc chưa chế biến (trừ cá nước ngọt, cá cảnh, một số loại nhuyễn thể và thủy sản nuôi trồng). Nhà nhập khẩu phải xuất trình giấy chứng nhận ba ngày trước khi hàng cập cảng vào EU.

Anh Trần Duy Uy, ngư dân Nghệ An, tỏ ra lo lắng khi có quy định IUU. Tàu của anh Uy công suất 105 mã lực (CV) với bảy thuyền viên, chuyên đánh cá ngoài khơi, mỗi tháng thu nhập vài triệu đồng một người. “Chúng tôi chưa bao giờ thực hiện việc ghi nhật ký khai thác, cũng chưa bao giờ phải khai báo với cơ quan chức năng về vùng biển đánh bắt. Hôm nay đến hội nghị mới được biết có quy định này. Không biết có dễ áp dụng?…” - anh Uy nói.

Anh Bùi Quang Luyến, ngư dân xóm Thành Tiến, xã Tiến Thụy, Quỳnh Lưu (Nghệ An), góp vốn cùng gần 30 ngư dân khác mua ba tàu đánh bắt cá với tổng công suất lên tới 740 CV. Mấy năm nay, việc đánh bắt cá lúc thăng lúc trầm, phụ thuộc nhiều vào ngư trường, thời tiết…

Anh Luyến và các ngư dân chỉ chăm chú vào đánh bắt, ngay cả việc ghi lại nhật ký khai thác cũng chưa bao giờ làm. “Việc tuân theo các quy định của EU là bắt buộc. Tuy nhiên, tôi nghĩ các cơ quan chức năng Việt Nam cần có các giải pháp đơn giản hóa thủ tục để giúp ngư dân” - anh Luyến đề xuất.

Còn ngư dân Phạm Thế Hiển (Bà Rịa - Vũng Tàu) lại băn khoăn: “Cái khó là trong biểu mẫu của mục ghi nhật ký sản phẩm tương đối phức tạp, trong khi các thuyền trưởng trình độ có hạn. Việc phân loại sản phẩm càng khó hơn, vì có phải thuyền trưởng nào cũng có chuyên môn về việc này đâu”.

Ngư dân Phan Văn Hải (Nghệ An) lại lo vì phải ghi nhật ký từng chuyến tàu, ảnh hưởng đến sản xuất. Lúc tàu về bến thì chỉ muốn bán cá rồi đi ngay, chứ dừng lại báo cáo khai thác với nhiều thủ tục, sẽ mất nhiều thời gian.

Thu mua hải sản của ngư dân tại Cà Mau. Ảnh: Duy Khương

Doanh nghiệp gặp khó

Trả lời Tiền Phong, ông Chu Tiến Vĩnh - Cục trưởng Khai thác Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản cho rằng, những khó khăn là không tránh khỏi nhưng chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của nước ta vào EU. Lý giải điều này, ông Vĩnh cho rằng, Cục đã hỏi phía EU và được trả lời tất cả các sản phẩm khai thác đến hết tháng 12-2009 không phải đưa ra chứng nhận xuất xứ. EU cũng hứa sẽ trợ giúp nước ta về con người và kỹ thuật.

Hơn nữa, theo ông Vĩnh, trong chương trình đánh bắt cá chung Vịnh Bắc bộ, chúng ta có 100 tàu đánh bắt ở vùng khơi chung đều phải ghi nhật ký tọa độ khai thác.

Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, hiện cả nước có 130.000 tàu cá nhưng chỉ có khoảng 16% số tàu có công suất lớn (từ 90 CV trở lên). Luật IUU chủ yếu để điều chỉnh các nước có tiềm năng khai thác quy mô lớn, trong khi đó ở nước ta lại chủ yếu là tàu cá nhỏ nên việc thực thi cũng khó khăn.

Ngư dân được cấp sổ và chỉ cần ghi nhật ký khai thác, chủng loại. Mỗi năm một địa phương ven biển cần vài trăm triệu đồng in ấn giấy tờ, giao dịch là có thể giúp ngư dân thực hiện IUU. Còn lại là phần việc của doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu.

Theo anh Nguyễn Hoài Nam - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), thực hiện IUU là cần thiết nhưng không hề đơn giản đối với các DN. Mấy ngày gần đây, nhiều DN trong VASEP kêu ca vì vướng trong xuất khẩu. Một số DN bị ngưng ký hợp đồng, vì phía nhập khẩu chưa thấy Việt Nam có động thái gì. Trong khi đó, bản thân các nhà nhập khẩu của EU cũng đang bị quản lý rất chặt về nguồn gốc thủy sản khai thác nên họ chưa chắc chắn để ký hợp đồng.

Đại diện tỉnh Bình Thuận cho biết, nhiều DN của tỉnh này cũng đang lo lắng về thủ tục rườm rà mà luật IUU đặt ra. Khai thác thủy sản ở Việt Nam là khai thác đa loài. Do đó, mỗi tàu đánh bắt có khi có hàng chục sản phẩm khác nhau, trong số đó lại chỉ có một phần được đưa vào chế biến để xuất đi EU. Nếu DN phải kê khai nguồn gốc từng lô hàng thu mua từ hàng chục tàu cá thì sẽ rất mất thời gian. Và nữa, nguyên liệu chế biến sản phẩm xuất vào EU của nước ta bao gồm cả tự khai thác và nhập khẩu nên thủ tục sẽ càng phức tạp.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, để giúp ngư dân và DN, hôm nay (4-12), Bộ sẽ ban hành Quy chế chứng nhận thủy sản, xác nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác. Kèm theo đó, Bộ cũng in ấn tài liệu dưới dạng hỏi đáp để ngư dân và DN dễ tiếp cận và thực hiện Luật IUU.



Theo www.tienphong.vn
Báo cáo phân tích thị trường