Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển ngành hồ tiêu theo hướng bền vững
25 | 01 | 2010
Năm 2009 là năm có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam.

Năm 2009, xuất khẩu của cả nước rất nhiều khó khăn do tác động của suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng xuất khẩu hồ tiêu lại đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Do đâu mà đạt được kết quả đó?

- Với nỗ lực phấn đấu cao, năm 2009, cả nước đã xuất khẩu được 135.000 tấn, tăng 51% so với năm 2008, kim ngạch xuất khẩu đạt 360 triệu USD, tăng 18% so với năm 2008. Đây là năm có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành hồ tiêu Việt Nam. Sản lượng hồ tiêu xuất khẩu tăng một phần do sản lượng sản xuất tăng (đạt khoảng 100.000T), một phần do có lượng tồn kho từ các năm trước chuyển qua.

Chất lượng hàng xuất khẩu được nâng lên, cả nước hiện có 20 nhà máy trong đó nhiều nhà máy được đầu tư công nghệ hiện đại, sản phẩm chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế (ASTA) có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các khách hàng trên thế giới. Thị trường xuất khẩu được mở rộng trên quy mô toàn cầu, trong đó đáng chú ý là sản lượng xuất khẩu vào các thị trường lớn và có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Châu Âu tăng từ 15%-20% so với năm 2008.

Giá xuất khẩu có sự cải thiện đáng kể theo hướng có lợi cho người sản xuất và xuất khẩu. Đầu năm giá hồ tiêu xuất khẩu ở mức 1.800 - 2.000USD/T nhưng đến cuối năm tăng lên 2.600 - 2.800USD/T cho cùng chủng loại.

Đáng chú ý là bên cạnh việc gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu, người dân đã biết điều tiết lượng bán ra trong từng thời kỳ, điều này không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro mà còn tránh được tình trạng bị khách hàng ép giá khi thu hoạch rộ.

Là nước xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới nhưng đến nay hồ tiêu Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu trên thế giới. Việc xây dựng thương hiệu được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Thương hiệu là vấn đề Hiệp hội đặc biệt quan tâm. Vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp với địa phương xây dựng thành công thương hiệu hồ tiêu Chư Sê và cho kết quả rất tốt. Chư Sê là vùng có năng suất, chất lượng và sản lượng cao nhất cả nước (khoảng 15.000T). Năng suất bình quân trong vùng đạt 5T/ha, có nhiều vườn tiêu đạt 15T/ha. Do có thương hiệu, chất lượng cao nên giá bán hồ tiêu Chư Sê luôn cao hơn các vùng khác. Điều đáng chú ý là người dân trong vùng có tinh thần đoàn kết, nhất trí rất cao, phương thức canh tác tương đối giống nhau nên năng suất vườn tiêu ở Chư Sê không quá chênh lệch như những vùng khác. Công tác quản lý xuất sứ, quản lý chất lượng hàng hoá được đảm bảo. Trong sản xuất, người dân có xu hướng không dùng phân hoá học và thuốc trừ sâu để đảm bảo vườn tiêu phát triển bền vững. Đây là điều mà các nước trên thế giới đặc biệt quan tâm và đánh giá cao. Ngoài ra, Chư Sê đang chuyển hướng sang sản xuất tiêu đỏ - loại tiêu có chất lượng cao, giá bán rất cao.

Từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu hồ tiêu Chư Sê, Hiệp hội sẽ đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu hồ tiêu ở các vùng khác như Bình Phước, Đăc Lăk, Đắc Nông, Gia Lai…, tiến tới xây dựng thương hiệu hồ tiêu quốc gia. Hiện Hiệp hội đang phối hợp với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để xây dựng thương hiệu Hồ tiêu Bà Rịa, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2011.

Năm 2010, dự báo xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ như thế nào?

- Theo đánh giá của Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, sản lượng hồ tiêu năm 2010 của cả nước không tăng so với năm 2009, thậm chí có thể giảm 5% - 10% do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán, sâu bệnh. Mặt khác do năm vừa qua giá đã tăng ở mức cao nên năm 2010 có thể giá sẽ không thuận lợi như năm 2009. Tuy nhiên thị trường có thể có những diễn biến bất ngờ nếu cung cầu trên thế giới mất cân đối lớn.

Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, tháng 12/2009, Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam đã làm việc với Hiệp hội tiêu quốc tế tại Brazil và đưa ra nhiều đề nghị quan trọng. Thứ nhất, đề nghị các nước cung cấp thông tin chính xác về sản lượng, thị trường xuất khẩu. Thứ hai, các nước cần thống nhất hành động trong việc cung cấp tin tức thị trường, hạn chế bán ra khi giá thấp để không gây thiệt hại cho nhà sản xuất và xuất khẩu. Thứ ba, các nhà xuất khẩu cần thường xuyên gặp gỡ để tạo ra sự thống nhất chung từ trữ hàng, bán ra đến bảo vệ các nhà xuất khẩu khi bị ép giá.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất, xuất khẩu và phát triển ngành hồ tiêu theo hướng bền vững, theo ông Hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì trong thời gian tới?

- Năm 2009 vừa qua, tuy xuất khẩu đạt kết quả cao nhưng vẫn còn một số hạn chế. Đó là chúng ta đã bán một lượng lớn (khoảng 50% sản lượng) khi giá thấp do đánh giá thị trường chưa thật tốt. Chất lượng hồ tiêu của Việt Nam khá cao nhưng một số doanh nghiệp còn thực hiện bán xô (FAQ) nên bị thiệt hại về giá.

Khắc phục điều này, về mặt chất lượng, chúng ta cần nâng cao hiệu quả hoạt động của các nhà máy chế biến. Tuy nhiên các nhà máy này chạy chưa hết 50% công suất do một số khách hàng là các nước đang phát triển chưa có nhu cầu hàng chất lượng cao. Để mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ hàng có chất lượng cao, chúng ta cần làm tốt việc cung cấp và xử lý thông tin, đẩy mạnh các chương trình XTTM, khai thác tốt các thị trường có tiềm năng lớn như Trung Quốc, Châu Phi, Tây Á.

Hiện nay 98% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dành cho xuất khẩu trong khi việc hoàn thuế VAT gặp rất nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, Hiệp hội đang đề nghị Chính phủ xem xét, tiến đến miễn thuế VAT cho doanh nghiệp. Mặt khác, Hiệp hội đề nghị được tham gia vào các kho ngoại quan tại những khu vực có tiêu dùng lớn như Trung Đông, Bắc Âu, Mỹ để chúng ta có thể tận dụng thời cơ khi giá cả có lợi, hạn chế bán ra khi giá xuống.

Hiệp hội đang phố hợp với các tổ chức quốc tế, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để đầu tư vào việc nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các nhà sản xuất, kinh doanh nhỏ của Việt Nam. Các chương trình này đã được triển khai trong năm 2009 và tiếp tục triển khai trong năm 2010.

Để đảm bảo giá ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá, không bị ép giá khi nước ta có sản lượng quá lớn, các địa phương cần thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn. Đó là hạn chế trồng hồ tiêu ở vùng có năng suất thấp, tập trung đầu tư vào những vùng có năng suất cao, duy trì diện tích ở mức 50.000 ha, sản lượng hằng năm khoảng 100.000T. Đưa năng suất bình quân của cả nước lên 3T/ha, gấp 3-10 lần các nước khác (Ấn Độ và Băngladet hiện chỉ đạt 300kg/ha, Indonesia 1T/ha).

Xin cảm ơn ông!


 



Nguồn: Báo Thương mại
Báo cáo phân tích thị trường