Nguyên nhân chính là do, theo quy định ND chỉ được hỗ trợ lãi suất khi mua máy móc sản xuất trong nước. Ấy nhưng, không kể một bộ phận ND thích xài máy ngoại nhập, nhiều ND không thể tìm mua các loại máy nông nghiệp made in Việt Nam...
Theo Quyết định 497/QĐ – TTg, có gần 30 loại máy phục vụ sản xuất nông nghiệp sản xuất trong nước ND được hỗ trợ lãi suất 4% khi mua: Máy gặt đập liên hợp, máy kéo, máy cày, máy làm đất, máy tuốt lúa...
Trong số các loại máy này, ND vùng ĐBSCL nhiều người rất muốn sở hữu chiếc máy gặt đập liên hợp để giải quyết tình trạng thiếu nhân công cắt lúa ngày càng diễn ra gay gắt vào mùa thu hoạch rộ. Thế nhưng, họ vẫn phải mua máy do Trung Quốc sản xuất (không được hỗ trợ lãi suất) vì máy gặt đập liên hợp sản xuất trong nước không dễ tìm mua.
Theo TS Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL – không chỉ ĐBSCL, trên phạm vi cả nước, số cơ sở sản xuất máy gặt đập liên hợp cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã vậy, hầu hết là các cơ sở cơ khí sản xuất quy mô nhỏ với năng lực sản xuất dưới 100 máy/cơ sở/năm. Chính vì ngành cơ khí phục vụ nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu mà cơ hội được mua máy có hỗ trợ lãi suất của ND vùng ĐBSCL... trôi qua!
Thống kê gần đây cho thấy, toàn vùng ĐBSCL hiện có khoảng 3.000 máy gặt đập liên hợp, trên 3.200 máy cắt lúa xếp dãy; đáp ứng khoảng 25%/tổng diện tích 1,54 triệu ha sản xuất lúa. Ngay các địa phương tốc độ cơ giới hóa nông nghiệp nhanh trong vùng như Đồng Tháp, An Giang thì tỉ lệ thu hoạch lúa bằng máy cũng chỉ trên 40% và gần 40%. Đáng nói là, số máy gặt đập liên hợp hiện diện trên đồng ruộng ĐBSCL có đến khoảng 90% là máy do Trung Quốc sản xuất.
Không phải là ND nào cũng... mê xài hàng ngoại; mà thực tế là, không chỉ sản xuất không đáp ứng nhu cầu, máy gặt nội địa còn bộc lộ nhiều nhược điểm hơn máy của Trung Quốc; nhất là khi hỏng hóc việc sửa chữa, thay thế phụ tùng gặp nhiều trở ngại.
TS Mai Văn Nam - Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ - nhận định: Thời gian qua gần như chưa có chiến lược đầu tư cho ngành cơ khí chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Không ít các loại máy nông nghiệp sản xuất trong nước do ND phát triển bằng sự mày mò nghiên cứu rồi thành lập cơ sở sản xuất. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận của ND, song nhược điểm của các loại máy này là chưa có dây chuyền sản xuất đồng bộ, thiếu tính đồng nhất và quy mô sản xuất nhỏ.
Quả vậy, qua các hội thi máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL thời gian qua cho thấy: Bên cạnh máy Trung Quốc, máy trong nước hầu hết do các cơ sở sản xuất cơ khí nhỏ sản xuất. Các loại máy này tuy có ưu điểm như tính thích nghi cao với môi trường đồng đất ĐBSCL, thế nhưng sản phẩm sản xuất chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, không thể đáp ứng thị trường số lượng lớn với chất lượng đồng nhất.
Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khoa học quan tâm tới lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL mong muốn vùng đất này sớm có các nhà máy lắp ráp, sản xuất các loại máy nông nghiệp ra đời trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tế của ND. Thực trạng sản xuất và nhu cầu máy nông nghiệp ở ĐBSCL cho thấy, không phải ngành cơ khí bí thị trường; mà chính là vùng đất lúa này chưa có ngành cơ khí đáp ứng được thị trường...