Mục đích nhằm nâng cao chất lượng, giá trị chế biến theo hướng đẩy mạnh chế biến tinh, chế biến sâu, giảm tỷ lệ chế biến sơ chế, thủ công.
Theo đề án, các tổ chức, cá nhân có dự án xây dựng vùng nguyên liệu chế biến theo đúng quy hoạch sẽ được mua lại quyền sử dụng đất của nông dân để sản xuất nguyên liệu tập trung; đồng thời khuyến khích nông dân mua cổ phần tại các doanh nghiệp chế biến bằng giá trị quyền sử dụng đất để hợp tác sản xuất và hưởng lợi.
Các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tập trung sẽ được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với mức vốn vay 100% giá trị hàng hóa, được hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu, từ năm thứ 3 hỗ trợ 50% lãi vay để mua sắm các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch hay mua sắm vật liệu cơ bản làm sân phơi có diện tích đến 1.000 m2 sẽ tiếp tục được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ.
Ngoài ra, ngân sách Nhà nước còn hỗ trợ đầu tư vào cơ sở hạ tầng cho vùng nguyên liệu tập trung (đường giao thông, thủy lợi, kênh mương, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, đường điện…) với tỷ lệ vốn hỗ trợ đến 60% tổng vốn đầu tư một dự án.
Đặc biệt, các doanh nghiệp chế biến thuộc mọi thành phần kinh tế nếu thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, được vay vốn với chính sách ưu đãi về tín dụng đầu tư; được ưu tiên cấp đất cho việc xử lý môi trường, được vay 100% vốn từ quỹ môi trường để xây dựng các công trình xử lý, được miễn thuế nhập khẩu toàn bộ dây chuyền thiết bị máy móc trong nước chưa sản xuất được để tạo tài sản cố định. Nếu có dự án đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng qui mô, năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường sinh thái sẽ được miễn thuế cho phần thu nhập tăng thêm do các đầu tư mới này mang lại.
Trong trường hợp các mặt hàng nông lâm thủy sản bị dư thừa cục bộ, để bình ổn giá, bảo vệ ngành hàng, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay trong thời gian 3 - 6 tháng đối với lượng hàng doanh nghiệp tạm trữ theo kế hoạch của hiệp hội, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt.
Đề án cũng đề nghị cho phép các ngành hàng được thành lập quỹ phát triển, quỹ phòng chống rủi ro. Tiền thành lập các quỹ sẽ được trích từ lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp. Các hiệp hội, ngành hàng sẽ xây dựng phương án thành lập, quy chế quản lý, sử dụng quỹ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tuy nhiên, để được hưởng các hỗ trợ, ưu đãi trên, đề án cũng đưa ra những ràng buộc. Các tổ chức, cá nhân trên phải ký kết hợp đồng tiêu thụ nông lâm thủy sản hàng hóa tại vùng nguyên liệu, có chính sách hỗ trợ, liên kết sản xuất trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà chế biến với nông dân; cam kết thu mua với giá cao hơn 10 - 20% đối với các nguyên liệu sản xuất theo quy định GAP, hoặc áp dụng giống mới và các nguyên tắc sản xuất bền vững khác. Ngoài ra còn phải tham gia cơ chế dự trữ quốc gia đối với các mặt hàng nhạy cảm như lúa gạo, đường, muối… nhằm giúp Nhà nước điều hành, điều phối khi có nhu cầu.