- Xin ông cho biết về tính chất nguy hiểm của bệnh lùn sọc đen đang gây hại đối với lúa xuân?
Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi Cục BVTV HN, Hà Nội hiện là một trong các địa phương có diện tích trồng lúa nhiều nhất miền Bắc với hơn 100 ngàn ha. Qua điều tra, đến nay vẫn chưa phát hiện ra nơi nào phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen. Tuy nhiên, một số biện pháp phòng ngừa, diệt rầy theo hướng dẫn của Bộ NN & PTNT vẫn được áp dụng... |
- Bệnh lùn sọc đen là một loại bệnh mới do virut lùn sọc đen phương Nam gây nên. Cho tới nay Thế giới vẫn chưa có thuốc đặc trị. Khi bị nhiễm bệnh cây lúa sẽ bị lùn đi, lá xanh đậm lại, đầu lá bị xoăn, gân lá ở mặt sau sưng dầy, thậm trí có những nốt sần và các sọc màu đen. Vì vậy, người nông dân thường gọi là bệnh lùn sọc đen. Bệnh thường phát sinh khi lúa làm đòng, đẻ nhánh. Virut gây bệnh làm thắt lá đòng khiến lúa không trỗ thoát được, hạt lúa bị lép đen, năng suất thấp, hoặc không cho thu hoạch… Bệnh lùn sọc đen không truyền qua hạt giống lúa, qua đất, hoặc do tiếp xúc giữa cây bệnh và cây khỏe, mà truyền qua con vật trung gian là loại rầy lưng trắng. Rầy lưng trắng sau khi đã nhiễm virut có thể truyền bệnh đến khi chết…
Ông Bùi Sĩ Doanh
Gọi là bệnh mới, nhưng thực ra bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện lần đầu tiên từ vụ mùa năm 2009 với gần 40 ngàn ha lúa mùa bị nhiễm bệnh, có những diện tích bị mất trắng. Năm nay (2010) bệnh phát sinh sớm hơn, ngay giữa vụ xuân (đầu tháng 3) với tổng diện tích (tính đến nay) khoảng gần 24,2 ngàn ha lúa chiêm xuân trên 26 tỉnh, thành từ Quảng Ngãi trở ra bị nhiễm. Nặng nhất là Thái Bình ( 17.760 ha). Các địa phương khác như Ninh Bình, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lao Cai… đều có phát sinh dịch bệnh lùn sọc đen trên lúa xuân. Tuy nhiên, riêng Hà Nội đến nay vẫn đang nằm trong vùng an toàn trước dịch bệnh.
- Đã có những biện pháp gì để ngăn ngừa dịch bệnh và hỗ trợ nông dân, thưa ông?
- Trước tình hình diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, trực tiếp các lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã xuống ngay thực địa từ những ngày 9/3 và 15/3 để xem xét thực tế, kiểm tra đồng ruộng. Ngay sau đó, Bộ NN & PTNT đã công bố dịch ở một số địa phương, đồng thời khẩn trương thành lập ban chỉ đạo Trung Ương phòng chống dịch. Ngày 26/3 Bộ đã ra thông tư 17/2010/ BNNPTNT hướng dẫn phòng trừ bệnh lùn sọc đen hại lúa, giúp nông dân các biện pháp vệ sinh đồng ruộng, phun thuốc phòng ngừa, chống rầy, bảo vệ mạ cho vụ mùa tới, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất…Do đây là loại bệnh lạ nên các biện pháp phòng trừ bệnh đang được áp dụng theo hình thức vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Chủ yếu là nhổ vùi lúa bệnh, cấp dặm lúa khỏe, bón phân cân đối, tiêu diệt rầy…Riêng việc tiêu hủy cả ruộng chỉ áp dụng đối với các diện tích không còn khả năng cho năng suất (tổng số tới nay mới có khoảng 20 ha lúa phải tiêu hủy). Đến nay, toàn bộ diện tích đã phun thuốc đạt 163 nghìn ha (gồm cả diện tích lúa bị nhiễm bệnh cũng như diện tích xung quanh), khả năng lây lan bệnh đã được hạn chế, và mức độ thiệt hại của vụ xuân không đáng lo ngại. Hiện tại, lúa ở những khu vực nhiễm bệnh đã qua xử lý và phun trừ rầy phát triển trở lại phát triển tốt.
Lãnh đạo Bộ NN - PTNT đi kiểm tra dịch bệnh Lùn sọc đen ở miền Bắc
Về cơ chế chính sách Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương trực thuộc TW chủ động trích ngân sách chi cho công tác phòng trừ dịch bệnh, thông tin, tuyên truyền. Hỗ trợ cho các diện tích lúa bị hủy với mức 4 triệu đồng/ha. Ở những nơi bị thiệt hại nặng, cần cứu đói sẽ được cứu trợ ở mức 12kg gạo/người/tháng (trong vòng 6 tháng). Riêng 2 tỉnh bị nặng là Thái Bình và Ninh Bình do Ngân sách Trung ương cấp…
- Ông có thể cho biết những trách nhiệm cụ thể của Cục Bảo vệ thực vật?
- Theo thông tư 17/2010/ BNNPTNT, Cục Bảo vệ thực vật có nhiệm vụ tập huấn cho cán bộ cơ sở; củng cố hệ thống dự báo; Chỉ đạo các Chi cục BVTV địa phương điều tra dịch bệnh và hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh; Cử cán bộ giúp các địa phương giám sát cụ thể từng địa bàn; Kiểm tra đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh; Hướng dẫn chính sách hỗ trợ phòng trừ dịch bệnh… và chúng tôi đang triển khai tích cực các công việc này.
Xin cảm ơn ông!