Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL sản xuất vụ lúa đông xuân trong dịch bệnh
17 | 09 | 2007
Hết nhà khoa học khuyến cáo rồi cảnh báo, đến việc Chính phủ ban hành chỉ thị cấp bách phòng trừ bệnh dịch trên cây lúa; thế nhưng, việc phòng, chống bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (VL&LXL) ở ĐBSCL vẫn cứ như chạy theo đuôi dịch bệnh chưa có thuốc trị.
Bài 1:"Nuôi rầy trong tay áo"!

Trên các cánh đồng, cây lúa vẫn được người nông dân chen nhau gối vụ, tạo cầu nối cho dịch bệnh phát tán, trước sự bất lực của cơ quan quản lý.

Gặt bên này, sạ bên kia!

Ngay khi bệnh VL&LXL gây hại vụ hè thu, đã có chủ trương hạn chế tối đa sản xuất vụ 3 ở ĐBSCL để cắt "môi trường" gây phát tán bệnh đe doạ vụ đông xuân. Thế nhưng, toàn vùng vẫn xuống giống hàng trăm ngàn hécta lúa vụ 3. Hậu quả là bệnh VL&LXL tiếp tục phát triển thành dịch.

"Nóng" nhất là tỉnh Kiên Giang, ngay khi lúa hè thu chưa dứt điểm thu hoạch thì đã xuất hiện lúa vụ 3 và lúa mùa nổi và liền sau đó là lúa đông xuân sớm của niên vụ 2006-2007. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh gieo sạ 84.936ha lúa trái vụ, gồm lúa mùa và đông xuân sớm.

Ông Huỳnh Văn Nhứt - Phòng ĐT-KH, Sở NNPTNT Kiên Giang - cho biết: "Theo lịch thời vụ, vụ đông xuân 2006-2007 sẽ xuống giống vào thời gian giữa tháng 11 và kết thúc vào cuối tháng 12.2006. Thế nhưng, tại các huyện thuộc vùng bán đảo Cà Mau và một số huyện ngập nông đã lần lượt xuống giống đông xuân sớm ngay cuối tháng 9".

Tuy nhiên theo đánh giá của Chi cục BVTV Kiên Giang, thì đây chưa phải là con số cuối cùng, vì hiện nay các chủ đất đang rầm rộ dọn đất chuẩn bị xuống giống đông xuân sớm. Theo đà này thì mùa vụ cứ nối nhau quanh năm suốt tháng "gặt bên này, sạ bên kia", như khu vực Bến Nhứt, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng. 

Ở An Giang, sau khi có thêm gần 50.000ha lúa vụ 3 tại các huyện đồng bằng, thì tại hai huyện miền núi là Tri Tôn, Tịnh Biên lại tiếp tục xuống giống lúa mùa ruộng trên (lúa sóc). Tính chung toàn vùng, chủ trương hạn chế tối đa xuống giống vụ 3 không thành công, sau đó việc tiêu huỷ diện tích lúa bị nhiễm bệnh từ 30% trở lên ở các địa phương ĐBSCL cũng... thất bại!

Ngồi trên lửa!

Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 30 về một số biện pháp cấp bách phòng trừ rầy nâu, bệnh VL&LXL. Theo đó, việc bố trí lịch thời vụ phải đủ thời gian cách ly để rầy nâu (tác nhân mang mầm virus VL&LXL) không sinh trưởng, không lây lan sang vụ đông xuân... Thế nhưng ở Hậu Giang, trong tháng 10 đã có hàng ngàn hécta lúa đông xuân sớm đã xuống giống; trong khi theo Cục Bảo vệ thực vật, sẽ có một đợt rầy nâu di trú vào trung tuần tháng 11...

Tại Đồng Tháp, trong tổng số gần 14.269ha lúa vụ 3 bị nhiễm VL&LXL 30% trở lên, chỉ có trên 1.615ha tiêu huỷ. Trong số 341ha lúa coi như mất trắng vì nhiễm bệnh nặng ở xã Mỹ Thọ (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp), cũng chỉ có 9 hộ tiêu huỷ. Việc tiêu huỷ đạt quá thấp so với diện tích nhiễm bệnh nặng cần tiêu huỷ, càng làm cho dịch VL&LXL đe doạ vụ đông xuân nghiêm trọng hơn. Theo thống kê của Phòng Kinh tế (UBND tỉnh An Giang), vụ hè thu năm nay năng suất chỉ đạt 5,02 tấn/ha, giảm từ 3,7-4 tạ/ha so các vụ năm trước. Vì vậy, tuy diện tích tăng 7.230ha so với cùng kỳ tích (221.901ha), nhưng năng suất lại giảm đến 48.458 tấn so cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí lại tăng hơn năm trước đến 32%. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh VL&LXL.

Thành bại của vụ đông xuân này đang thử thách việc điều hành của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương các cấp. Một chuyên gia cho biết nếu không kìm giữ được dịch bệnh, sẽ làm giảm đáng kể sản lượng gạo ở ĐBSCL.

Tại Đồng Tháp, thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật cho thấy: Nếu vụ hè thu 2006 mới có gần 8.500ha lúa bị bệnh VL&LXL, thì sang vụ 3 diện tích nhiễm bệnh tăng lên gần 16.000ha; trong đó gần 14.269ha bị nhiễm trên 30% (mức độ phải thiêu huỷ). Tại Vĩnh Long, ngoài 49.000ha lúa vụ 3, toàn tỉnh còn dưỡng 13.000ha lúa chét từ gốc lúa hè thu. Hệ quả là xấp xỉ 16.000ha bị VL&LXL, với mức thiệt hại trên 3 tỉ đồng.

 Tiêu huỷ ngay ruộng lúa bị nhiễm vàng lùn và lùn xoắn lá trên 10%.  Bộ NNPTNT ngày 26.10 cho hay, đối phó với dịch rầy nâu và bệnh VL&LXL trên lúa có nguy cơ lây lan sang vụ đông xuân 2006-2007, các tỉnh phía nam phải kiên quyết tiêu huỷ ngay các ruộng lúa đã gieo sạ nếu lúa bị nhiễm bệnh VL&LXL ở giai đoạn lúa non trên 10% bụi lúa. Ngoài ra giám sát chặt chẽ sự xuất hiện của rầy nâu trên lúa thu đông, lúa mùa 2006 và lúa đông xuân 2006-2007 đã gieo sạ



(Nguồn: Lao động)
Báo cáo phân tích thị trường