Cuối tháng 5-2010, Công ty TNHH một thành viên Long Uyên (tỉnh Tiền Giang) xuất 20 tấn bánh tét, bánh ít lá gai, bánh ít nhân dừa, bánh bò, khoai lang và khoai mì luộc... sang châu Âu. Sắp tới, công ty sẽ xuất thêm hàng trăm tấn chôm chôm và xoài cắt nhỏ. Dự kiến trong năm nay, 7.000 tấn sản phẩm đặc sản Việt có mặt ở thị trường các nước.
Năm nay, tỉnh Bắc Giang xuất khẩu hơn 1.000 tấn vải thiều đóng hộp và đông lạnh sang châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc
Chờ thu hoạch là... lên hàng
Thời gian gần đây, trái cây đặc sản VN có mặt tại các hệ thống bán lẻ trên thế giới. Nhiều nhà nhập khẩu đã đến VN ký hợp đồng và chờ thu hoạch là... lên hàng.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX Hòa Lộc (tỉnh Tiền Giang), cho biết nhiều vườn xoài sai trái đang chờ ngày thu hoạch để xuất khẩu với giá 15.000 đồng/trái 0,5 kg. Công ty Phát triển Công nghệ sinh học thuộc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (tỉnh Đồng Nai) cũng vừa xuất khẩu 15 container sầu riêng giống Dona sang Mỹ. Đối tác đề nghị doanh nghiệp (DN) này xuất thêm hàng nhưng đơn vị chỉ cung ứng được 300 tấn.
Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu tỉnh Bắc Giang cũng ký hợp đồng xuất 1.000 tấn vải thiều đóng hộp và đông lạnh sang Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ và Hàn Quốc. Từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất mặt hàng cà chua bi, dưa chuột ngâm giấm, dứa, vải thiều, trị giá 900.000 USD. Các loại đặc sản khác như mắm Châu Đốc, gạo Châu Phú (tỉnh An Giang) cũng đã có mặt ở thị trường Campuchia.
Có thương hiệu, dễ bán
Trong quá trình giao thương với thị trường quốc tế, các DN VN nhận ra rằng chỉ các sản phẩm có thương hiệu mới được ưa chuộng. Chẳng hạn như Nhật Bản, Thụy Sĩ, Singapore... thích rượu vang Đà Lạt. Thị trường Đức, Nga, Ý... “mê mẩn” niêu cá trắm kho của các hộ dân xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Cứ mỗi mùa Tết, cả làng xuất được 15.000 niêu cá với giá khoảng 300.000 đồng/niêu. Cá trắm đen kho với nước mắm, riềng, gừng, nước cốt chanh, ớt tươi, sườn heo... Sau 14 giờ kho trên bếp củi và rơm, niêu cá được dán nhãn “Vũ Đại” để xuất đi các nước.
Ông Nguyễn Đăng Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết tỉnh đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho vải thiều Lục Ngạn để xuất khẩu. Bên cạnh đó, tại khu vực phía Nam, nhiều địa phương thực hiện tiêu chuẩn Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu) để tạo uy tín ở thị trường quốc tế. Hiện một số thương hiệu đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn Global GAP, như: vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, trang trại trồng chôm chôm của ông Võ Văn Hớn ở xã Phú Phụng (tỉnh Bến Tre), bưởi năm roi của Công ty TNHH The Fruit Republic (tỉnh Tiền Giang), vườn nhãn xuồng cơm vàng Kỷ Việt (tỉnh Bình Phước), vườn nhãn tiêu Huế của Công ty Ngọc Ngân (tỉnh Vĩnh Long)...
Kết nối nhà sản xuất Theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ DN (BSA): Trong tháng 7 sẽ diễn ra hai hội chợ nông sản – làng nghề phía Bắc (tại Hà Nội) và phía Nam (tại tỉnh Đồng Tháp). Đây là chương trình nằm trong hoạt động “Xúc tiến thương mại thị trường nội địa” do Bộ Công Thương và BSA phối hợp tổ chức nhằm kết nối các nhà sản xuất nông sản, HTX, cơ sở làng nghề với các nhà phân phối, cung ứng dịch vụ hậu cần và các DN chế biến để xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản, đặc sản làng nghề ổn định, nâng cao năng lực thị trường của nhà sản xuất nông sản – đặc sản làng nghề. Từ đó, có thể nâng cao tiềm năng xuất khẩu. |