Thậm chí, chính quyền của tân Tổng thống Benigno Aquino còn đưa ra kế hoạch tự túc lương thực bằng các giải pháp thúc đẩy sản xuất nội địa, đồng thời nói sẽ thay đổi chính sách nhập gạo.
Tổng II gặp khó
Philippines mua nhiều gạo nhất của Việt Nam kể từ năm 1995. Cho đến trước năm 2005, Việt Nam bán gạo cho quốc gia này chủ yếu bằng con đường ngoại giao, thông qua đàm phán cấp Chính phủ. Từ năm 2005 đến nay, tuy việc mua bán chuyển sang hình thức đấu thầu tập trung, nhưng doanh nghiệp Việt Nam do tổng công ty Lương thực miền Nam (tổng II), được bộ Công thương chỉ định làm đầu mối dự thầu, vẫn thường trúng phần lớn sản lượng. Trung bình mỗi năm, Philippines nhập khẩu khoảng 2,5 – 3 triệu tấn gạo, hai phần ba trong số này mua từ Việt Nam.
Giá gạo xuất khẩu theo các hợp đồng tập trung sang thị trường Philippines, luôn cao hơn mặt bằng chung thị trường và thường được doanh nghiệp lấy làm đối trọng đi thương thuyết bán hàng thương mại.
Doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines, phần lớn là những đơn vị nhà nước, thuộc tổng II. Mỗi lần trúng thầu, tổng II được chia 20% sản lượng, số còn lại, tuỳ vào năng lực xuất khẩu của từng đơn vị để phân bổ.
Ông Trần Đức Tụng, nguyên chuyên viên vụ Kế hoạch, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, việc bán được lượng gạo lớn, với giá cao cho nước này đã mang lại lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và nông dân trong nhiều năm qua. Thế nhưng, tính năng động thương trường, yếu tố quyết định thành bại trong hiệu quả kinh doanh, theo ông cũng mất đi khi doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như Philippines.
“Một khi anh có sẵn lượng quota xuất khẩu ổn định, anh sẽ chây ì trong việc tìm kiếm thị trường mới”, ông Tụng nói. Đồng thời cho rằng, mất hẳn thị trường Philippines có cái thiệt, nhưng cũng mang lại nhiều điều tích cực. Đó là, giúp doanh nghiệp nhanh nhạy hơn trong dự báo, tìm kiếm thị trường, hơn hết là tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, loại dần doanh nghiệp nhà nước yếu kém ra khỏi cuộc chơi.
Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), bảy tháng đầu năm 2010, doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, tăng 20% về giá trị và khoảng 30 USD/tấn so với cùng kỳ. Hiện nay, nhu cầu gạo ở thị trường châu Phi, châu Á, Cuba, Iraq vẫn còn nhiều, dự kiến năm nay Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn và giải quyết hết lượng gạo hàng hoá. Từ này đến cuối năm, giá gạo thế giới sẽ không có nhiều biến động, doanh nghiệp vẫn mua lúa gạo theo giá thị trường và dự kiến nông dân sẽ không bán giá lúa cao như vụ đông xuân. |
Cạnh tranh lành mạnh hơn
Nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, bán gạo theo hình thức đấu thầu tập trung còn mang đến nhiều mặt trái khác, chẳng hạn như bị hớ giá. Vì thông thường, hợp đồng tập trung mở vào cuối năm hoặc đầu vụ sản xuất. Lúc này, thị trường gạo thế giới hầu như không có giao dịch, nên mặt bằng giá không phản ánh sát thực tế.
Theo ông Trần Đức Tụng, từ năm 2005 đến nay, chỉ có duy nhất trường hợp cuối năm 2009 là doanh nghiệp bán giá gạo sát với thế giới, và có hiệu quả cao (trúng thầu 1,6 triệu tấn, giá trung bình 570 USD/tấn – PV). Liên tiếp trong hai năm 2007 – 2008, do giá gạo lúc ký hợp đồng thấp hơn lúc giao hàng nên doanh nghiệp bị mất ăn hàng trăm triệu USD. “Đau” hơn, theo ông Tụng, một khi doanh nghiệp bán giá thấp sẽ quay lại đánh tụt giá lúa mua của nông dân, khiến họ thiếu động lực sản xuất.
Trong thông báo mới phát đi vài ngày gần đây, chính quyền tân Tổng thống Benigno Aquino khẳng định sẽ hạn chế tối đa mua gạo bằng hình thức đấu thầu tập trung qua một vài công ty lương thực quốc gia (NFA). Thay vào đó, giới thương nhân, dự kiến sẽ được miễn thuế để tham gia mua gạo. Thực tế, chính sách này đã được áp dụng từ đầu 2010, một số thương nhân nước này đã vào các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mua gạo trực tiếp của doanh nghiệp, số lượng lến đến trên 700 ngàn tấn.
Chuyên gia thương mại Nguyễn Đình Bích, đánh giá thông tin này sẽ khiến xuất khẩu gạo trong những năm tới không còn tập trung vào một vài đầu mối chính mà cơ hội chia đều cho các doanh nghiệp. Do đó, theo ông, thị trường sẽ sôi động hơn, cạnh tranh quyết liệt hơn khi có nhiều doanh nghiệp được tham gia xuất khẩu và đưa đến đầu ra ổn định cho người trồng lúa.
Vấn đề còn lại là cách điều hành của bộ Công thương, VFA như thế nào để tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, giảm giá bán, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung. Nhiều ý kiến cho rằng, việc kiểm soát giá sàn, đăng ký xuất khẩu vẫn phải quy trì, tuy nhiên cần linh động theo diễn biến thị trường.