Sau Trung Quốc, hội Nông dân Thái Lan hồi đầu năm 2010 cũng đã yêu cầu chính phủ tăng giá gạo từ vụ thu hoạch đầu năm. Lí do đằng sau yêu cầu này là vì giá gạo thế giới đã giảm trong vài tháng qua.
Châu Á: tăng giá vì sợ giá giảm
Việc giá gạo giảm được cho là do các nhà nhập khẩu ngừng mua với hy vọng giá gạo còn giảm nữa. Theo số liệu của chính phủ Thái Lan, châu Phi mua 1,4 triệu tấn gạo của Thái Lan trong năm tháng đầu năm 2010, trong khi vào cùng kỳ năm 2009 số lượng này là 2 triệu tấn. Khối lượng gạo xuất khẩu giảm đã kéo giá gạo xuống. Nông dân Thái Lan lo ngại nếu chính phủ Thái không can thiệp, giá gạo sẽ còn giảm nữa.
Ông Miguel Lima, giám đốc thương mại của công ty SeaRice Thuỵ Sĩ chuyên nhập gạo từ châu Á, nhận định: “Một số nước châu Á đang xem xét việc tăng giá gạo, chủ yếu để hỗ trợ nông dân. Thí dụ, tại Thái Lan, 80% dân số làm nông nghiệp, và đây là lực lượng lớn cử tri mà chính phủ cần tranh thủ trong thời gian tới”. Nigeria, Benin, Bờ Biển Ngà và Nam Phi là những nước mua gạo nhiều nhất tại châu lục này.
Việt Nam cũng kêu gọi tăng giá gạo. Việt Nam sản xuất 24,3 triệu tấn gạo hàng năm, trong đó có 8 triệu tấn gạo xuất khẩu, với 30% xuất khẩu sang châu Phi. Bà Dương Phương Thảo, thuộc phòng xuất nhập khẩu Việt Nam giải thích: “Những người nông dân Việt Nam gần đây bán gạo với giá thấp hơn so với chi phí. Điều này không giúp họ phát triển bền vững được. Chúng tôi cần phải nghĩ đến quyền lợi của họ”.
Châu Phi: chuyển sang ăn bắp, kê, đậu, sắn?
Tuy nhiên, ông Miguel Lima nhấn mạnh: “Sau khi giá gạo đã tăng vọt trong năm 2007-2008 rồi giảm xuống, các nước xuất khẩu dự tính tăng giá trở lại, nhưng họ quên rằng khách hàng mua gạo chủ yếu là các nước nghèo ở châu Phi. Không có nhiều tiền, người dân châu Phi sẽ tìm lương thực khác như kê hoặc sắn để thay thế, nếu gạo trở nên đắt đỏ. Điều này có thể dẫn đến việc chính các nhà xuất khẩu tự hủy thị trường gạo của họ tại châu Phi”.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), giá gạo trung bình trên thế giới đã tăng 217% từ năm 2006 - 2008. Giá gạo năm 2008 cao hơn năm 2007 tới 80%, đỉnh điểm là giá gạo tháng 5.2008 lên tới 1.038 USD/tấn. Mặc dù giá gạo sau đó giảm nhưng chưa ổn định. Moses Adewuyi, giám đốc công ty chế biến lương thực thuộc bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nigeria cho biết nếu giá gạo quá cao, như năm 2007 và 2008, người tiêu dùng Nigeria sẽ chuyển sang dùng các lương thực rẻ hơn như bắp, kê, đậu, sắn hoặc khoai.
“Năm ngoái, giá gạo tại Nigeria giảm, Hiện nay, người tiêu dùng phải mua gạo với giá gần 450 đô la Nigeria/50kg. Trong năm tài chính 2007-2008, lượng gạo này có giá là 900 đô la. Chúng tôi không thể để lịch sử lặp lại. Người dân châu Phi có nhiều lương thực thay thế, trong trường hợp giá gạo quá mắc đối với họ”, ông Moses Adewuyi nhận định.
Vì không thể để tình trạng giá gạo tái diễn, các nước nhập khẩu gạo ở châu Phi đã có các chương trình thúc đẩy sản xuất gạo và các cây lương thực thay thế trong nước để giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu, đề phòng giá gạo nhập quá cao.