Có thời điểm, ở nhiều nơi xuất hiện hiện tượng thương lái tập kết hàng để bán lại cho thương nhân Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. “Việc này đã gây tác động đến tâm lý và giá cả thu mua trên thị trường. Hiện nay, bộ Công thương chưa có số liệu chính thức về số lượng gạo đã xuất qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Còn xuất theo đường chính ngạch không có sự tăng đột biến. Đây không phải yếu tố đẩy giá lương thực lên cao như thời gian vừa qua”, ông Biên nói.
Cũng theo ông Biên, giá gạo xuất khẩu trong tuần này tăng từ 20 – 30 USD/tấn, nhưng lượng hợp đồng không nhiều. Tại đồng bằng sông Cửu Long, lúa về nhiều nhưng giá gạo bán cho người tiêu dùng đã rục rịch tăng. Lượng tồn kho của doanh nghiệp còn nhiều, tổng cộng là trên 1,3 triệu tấn. Cho nên, theo ông Biên, không có cơ sở để nói Việt Nam thiếu gạo.
“Không có khả năng vì nhu cầu gạo tăng đột biến ở Trung Quốc mà kéo theo sốt giá gạo ở Việt Nam. Giá gạo tại phía Nam có nhích lên do yếu tố tâm lý của thương lái chịu tác động từ tin đồn trên thị trường, thông tin không có cơ sở. Tổng công ty Lương thực miền Nam đang bán gạo với số lượng không hạn chế, bình ổn giá thị trường”, ông Biên nói.
Theo thông tin của bộ Công thương, từ tháng 4 đến tháng 7, theo đường chính ngạch, Trung Quốc đã mua 600.000 tấn gạo của Việt Nam. Bộ Công thương vẫn chủ trương giữ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ đầu năm nhưng sẽ sàng lọc những hợp đồng có tính khả thi không cao, xem xét lại, có thể ký thêm hợp đồng mới. “Với thị trường Trung Quốc, chúng ta cũng không có phân biệt gì với các thị trường nhập gạo khác. Nếu Trung Quốc còn nhu cầu, chúng ta vẫn tiếp tục xuất khẩu qua thị trường này”, ông Biên khẳng định.